Multimedia Đọc Báo in

Xe quá tải trọng làm hư hỏng đường dân sinh

08:10, 25/11/2021

Tuyến đường vào khu vực sản xuất dưới chân núi Ngang (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) được người dân các thôn 2, thôn 8 và một số thôn, buôn khác hiến đất, góp kinh phí cùng Nhà nước xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2016.

Chiều dài toàn tuyến đường hơn 3 km, mặt đường rộng hơn 3 m. Từ khi có con đường này, người dân các thôn trên địa bàn xã Ea Ral thuận lợi hơn trong việc vận chuyển vật tư, phân bón và nông sản.

Tuyến đường vào khu vực sản xuất của người dân xã Ea Ral bị xuống cấp do xe vận chuyển quá tải trọng.

Thế nhưng, từ tháng 6/2020 đến nay, nhiều hộ sản xuất ở xã Ea Ral có nương rẫy đang canh tác tại khu vực núi Ngang rất bức xúc vì đoạn đường vào khu sản xuất có hàng chục điểm bị hư hỏng nặng do nhiều xe tải vận chuyển đất đá của một doanh nghiệp thường xuyên chạy trên tuyến đường này gây ra. Mặt đường nhựa bị xới tung, xuất hiện rãnh dọc, ngang, ổ voi, ổ trâu; nhựa đường và đá dăm bung lên từng mảng, khiến việc lưu thông rất khó khăn, mất an toàn.

Bà Lê Thị Sương (thôn 8) và ông Ksơr Y Phen (buôn Tùng Thăng) bức xúc cho biết: “Hằng ngày có hàng chục xe quá tải trọng lưu thông khiến mặt đường ngày càng xuống cấp, bị võng, bung tróc, sụt lún”. Theo người dân địa phương phản ánh, đây là các xe tải chở vật liệu của Công ty Xây dựng Sài Gòn để thi công tuyến đường vành đai Hồ thủy lợi Ea H’leo. Các xe này thường tăng chuyến, tăng tải trọng lên gấp đôi so với tải trọng cho phép.

Trước thực trạng vừa nêu, thiết nghĩ chính quyền, ngành chức năng của địa phương cần vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, tăng cường tuần tra kiểm soát, có biện pháp xử lý những trường hợp chở quá tải, quá khổ, gây hư hỏng tuyến đường giao thông ở địa phương.

Ngọc Tài


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.