Multimedia Đọc Báo in

Cần mạnh tay dẹp nạn “xe dù, bến cóc”

08:14, 14/11/2022

Thời gian gần đây, tình trạng “xe dù, bến cóc” tái diễn tại địa bàn TP. Buôn Ma Thuột với nhiều biến tướng, thậm chí còn ngang nhiên hoạt động...

Tái diễn "xe dù, bến cóc”

Hằng ngày, dạo quanh khu vực nội đô của TP. Buôn Ma Thuột, nhất là một số tuyến đường chính như: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn... dễ bắt gặp những “xe dù”, xe hợp đồng trá hình ngang nhiên dừng, đỗ đón, trả khách, bốc xếp hàng hóa ngay bên lề đường, gây mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Theo quan sát của phóng viên, nhiều xe ô tô vận tải hành khách mặc dù mang phù hiệu “xe hợp đồng” nhưng lại chạy lòng vòng trong thành phố để tìm kiếm, đón từng khách lẻ. Hoạt động này thường gặp nhất là ở các điểm dừng xe buýt, cây xăng, trước cổng siêu thị, bệnh viện... Nếu phụ xe nhìn thấy có người đứng trên vỉa hè thì thò tay và đầu ra ngoài cửa kính để vẫy gọi, thậm chí mở cửa chạy xuống chèo kéo khách.

Xe ô tô có phù hiệu xe hợp đồng vừa chạy, phụ xe vừa vẫy gọi khách.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, nguyên nhân xảy ra tình trạng “xe dù, bến cóc”, đón trả khách không đúng nơi quy định do đa số người dân muốn thuận lợi riêng mình nên không vào bến xe mà gọi điện cho nhà xe, tài xế đến đón tại nhà hoặc dọc đường. Nắm bắt được nhu cầu đó, một số đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải đã cạnh tranh nhau bằng mọi cách phục vụ nhu cầu hành khách, bất chấp các hành vi trái quy định của Nhà nước trong kinh doanh vận tải.

Vấn nạn "xe dù, bến cóc" diễn ra nhiều năm nay, sau những nỗ lực của các ngành chức năng, tình trạng này đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, những biến tướng mới như: xe không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải hành khách; xe đăng ký kinh doanh tại các tỉnh thành khác nhưng hoạt động gần như hoàn toàn tại Đắk Lắk... khiến cho hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh trở nên phức tạp, khó kiểm soát.

Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk cho biết, thực trạng hiện nay, nhiều loại xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ không đăng ký kinh doanh, xe trá hình taxi, trá hình hợp đồng, hoặc xe biển kiểm soát màu vàng nhưng không có đơn vị quản lý... vẫn ngang nhiên hoạt động vận chuyển hành khách. Những loại xe này “tung hoành” khắp các ngõ ngách, lập “bến cóc” dừng, đỗ đón, trả khách dọc đường, gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của đơn vị làm ăn chân chính. Nếu để tình trạng này kéo dài thì quy định về điều kiện trong kinh doanh vận tải hành khách gần như không có tác dụng.

Cần giải pháp mạnh tay

Theo thống kê của Sở GTVT, trên địa bàn tỉnh hiện có 139 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có 56 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với nhiều hình thức như: chạy theo tuyến cố định, hợp đồng, taxi, xe buýt và kinh doanh vận tải khách du lịch. Thời gian qua, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất và mở đợt cao điểm xử lý nghiêm các trường hợp lái xe ô tô khách vi phạm quy định về giao thông vận tải. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng “xe dù, bến cóc” vẫn còn tồn tại, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Một xe ô tô đón khách dọc đường Mai Hắc Đế.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Trưởng Phòng CSGT - Công an tỉnh cho biết, để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT nói chung, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách nói riêng trong tỉnh, lực lượng CSGT đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Hằng năm, lực lượng CSGT phối hợp với ngành chức năng, địa phương triển khai nhiều đợt tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào công tác bảo đảm TTATGT. Tổ chức cho các doanh nghiệp, lái xe cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ và quy định về hoạt động vận tải hành khách. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với phương tiện vi phạm quy định về TTATGT. Tập trung xử lý người điều khiển xe ô tô vi phạm các lỗi liên quan đến hoạt động vận tải hành khách như dừng, đỗ xe đón trả khách không đúng nơi quy định; tự ý lắp thêm ghế ngồi… Dù vậy, do ý thức chấp hành của nhiều doanh nghiệp vận tải chưa cao; mỗi khi CSGT ra quân tuần tra kiểm soát ở khu vực nào thì các lái xe hoặc đối tượng trong nghề sẽ điện thoại cho nhau... để tránh nên công tác kiểm tra, bắt quả tang xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng “xe dù, bến cóc” đang là vấn đề nhức nhối trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, đòi hỏi sự vào cuộc xử lý quyết liệt từ phía các lực lượng chức năng và chính quyền để giải quyết triệt để, bảo đảm an ninh trật tự, gìn giữ văn minh đô thị. Thiết nghĩ, ngoài việc tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm tra, các ngành chức năng cần phát huy hiệu quả hệ thống camera giao thông đã được trang bị tại các nút, điểm giao thông công cộng kết hợp với hình thức phạt nguội, thu hồi phù hiệu đối người, phương tiện vi phạm. Bên cạnh đó, vì sự an toàn của chính mình và người khác, người dân cũng cần nâng cao tính tự giác, chủ động vào bến đi xe thay vì chấp nhận đi xe không rõ luồng tuyến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro không đáng có.

Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng CSGT trong tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 33.344 trường hợp vi phạm, tạm giữ 10.061 lượt phương tiện, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 44 tỷ đồng, tước Giấy phép lái xe có thời hạn 4.495 trường hợp. Đáng chú ý, phát hiện, lập biên bản 764 trường hợp xe ô tô chở khách vi phạm về TTATGT.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.