Để tiền trong xe ô tô khi đăng kiểm: “Luật bất thành văn” hay là hành vi hối lộ?
Lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới đang là đề tài “nóng” của dư luận xã hội khi cơ quan chức năng phát hiện sai phạm tại hàng loạt trung tâm đăng kiểm trong cả nước.
Đã khởi tố nhiều vụ án, bị can và tạm giam những người có liên quan để điều tra, xử lý về các hành vi môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác... Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, tại Đắk Lắk, lâu nay vẫn âm ỉ tồn tại một thói quen “bỏ tiền” trong xe ô tô khi đăng kiểm để không bị “làm khó”.
Trò chuyện với anh N.M.C. (trú phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) được biết, đầu năm 2022 anh đến một trung tâm đăng kiểm gần nhà để đăng kiểm chiếc xe ô tô con 5 chỗ của gia đình. Trước đó ít ngày anh được một người bạn là tài xế xe khách lâu năm mách nước, khi đăng kiểm thì bỏ 200 nghìn đồng ở chỗ cần số xe ô tô, gọi là tiền “bôi trơn” để được kiểm định nhẹ nhàng, thuận lợi. Dù là xe mua mới được hơn 2 năm, song anh vẫn e ngại bị “làm khó” vì có lắp thêm một số “đồ chơi” xe hơi như: vè che mưa, đuôi gió, chắn bùn, đèn bi led... nên cũng làm theo. Quả nhiên, khi đăng kiểm xong thì tờ 200 nghìn anh để trên xe đã biến mất và việc đăng kiểm cũng được làm rất nhanh.
Ảnh minh họa. |
Còn theo anh N.H.H. (trú xã Cư Pui, huyện Krông Bông), cách đây 7 tháng, anh cũng đưa chiếc xe ô tô KIA Morning đời 2012 đi kiểm định tại một trung tâm đăng kiểm ở TP. Buôn Ma Thuột. Chiếc xe đã qua sử dụng anh H. mới mua lại và đây là lần đầu đưa đi đăng kiểm. Sau khi lái xe vào khu vực đăng kiểm, anh H. quay ra quầy nộp các khoản tiền theo quy định thì nhân viên đăng kiểm đến báo là xe không đạt tiêu chuẩn vì phanh mòn, đèn pha thiếu sáng, nồng độ khí thải vượt quá mức quy định… đề nghị về khắc phục. Sau khi nghe anh H. trình bày về việc đi lại khó khăn vì nhà ở xa thành phố, đăng kiểm viên này liền nói cứ đưa xe ra ngoài chờ đến cuối ca sẽ “linh động” gọi vào đo kiểm lại lần nữa.
Ngồi gần 2 giờ ở quán nước bên hông cổng trung tâm đăng kiểm, anh H. kể chuyện đăng kiểm của mình thì được bà chủ quán mách là bỏ vài trăm nghìn ở trong xe là sẽ xong ngay. Không cần đợi đến lúc được gọi, anh H. liền bỏ hẳn 300 nghìn rồi đưa xe vào đăng kiểm, và thật bất ngờ chỉ 10 phút là xong.
Xe ô tô đang được test đăng kiểm trong một trung tâm đăng kiểm ở TP. Buôn Ma Thuột. |
Chuyện để tiền trên ô tô mỗi khi đến trung tâm đăng kiểm như của anh H., anh C. là “mánh” được truyền tai nhau từ quán giải khát vỉa hè đến các diễn đàn lớn về ô tô, trở thành “luật bất thành văn” để kiểm định xe được nhẹ nhàng, thuận lợi hơn. Và việc bỏ thêm chút tiền cảm ơn và “mua” lấy sự yên tâm vẫn được không ít chủ xe thực hiện mỗi khi đến cửa đăng kiểm. Việc “bôi trơn” diễn ra êm thấm như “luật bất thành văn” này ngoài lý do từ việc các cán bộ đăng kiểm vi phạm, thì cũng có nguyên do xuất phát từ việc chủ phương tiện đã không phản ứng mà chấp nhận tiêu cực để được việc. Đồng thời, chuyện “bôi trơn” này đa phần chỉ rơi vào những trường hợp do phương tiện không đáp ứng yêu cầu, chủ xe lại không muốn bị làm “khó dễ” trong quá trình đăng kiểm. Hành vi này vô tình trở thành đồng lõa với tham nhũng vặt, tiếp tay cho những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật ở các trung tâm đăng kiểm. Nguy hại hơn, những chiếc xe không bảo đảm điều kiện kỹ thuật, nhưng vẫn được “nhắm mắt” đăng kiểm thành công và lăn bánh trên đường, có thể trở thành mối nguy, đe dọa sự an toàn của chính người lái và những người xung quanh.
Thiết nghĩ, ngoài việc xử lý nghiêm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trung tâm đăng kiểm, thì cũng cần lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm hành vi "tự nguyện", đồng thuận trong việc "bôi trơn" này.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc