Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo “thông báo khóa SIM hai chiều”

07:59, 13/04/2023

Lợi dụng việc chuẩn hóa thông tin thuê bao, thời gian gần đây nhiều đối tượng đã mạo danh Cục Viễn thông, hoặc một số cơ quan nhà nước gọi điện cho người dùng đe dọa khóa SIM, rồi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, anh L.V.H. ở phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ gọi đến thông báo thuê bao của anh : “Thuê bao của quý khách sẽ bị tạm khóa hai chiều trong thời gian 2 giờ nữa. Để biết thông tin chi tiết, quý khách vui lòng bấm phím 0”. Do thấy số điện thoại lạ, không giống với số tổng đài nên anh xác định đây là cuộc gọi lừa đảo.

Tương tự, chị T.T.Y.N. ở phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) cũng nhận được cuộc gọi từ số 0708944724 thông báo thuê bao sẽ bị khóa sau 2 giờ tới. Tò mò, chị bấm phím 0 theo chỉ dẫn thì phía đầu dây bên kia yêu cầu chị cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân... để hỗ trợ kỹ thuật. Ngay sau đó, người tự xưng là nhân viên Trung tâm Viễn thông này cho biết lý do bị khóa SIM là vào ngày 22/9/2022, chị có đăng ký thêm số thuê bao 09123846xx. Người sử dụng số thuê bao trên đã nhắn tin lừa đảo rồi chiếm đoạt tài sản của nhiều người ở Hà Nội.

Người này "giúp" chị N. kết nối điện thoại với... Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội để trình báo sự việc. Khoảng 15 giây sau, có một người tự xưng là Trung úy Trần Đình Huy, cán bộ điều tra của Phòng Cảnh sát hình sự - Công an Hà Nội gọi điện cho biết chị N. có thể bị kẻ xấu lấy cắp thông tin cá nhân để sử dụng vào mục đích lừa đảo. Để thụ lý hồ sơ, người này yêu cầu chị N. chuyển một khoản tiền ứng trước là 2 triệu đồng, sau khi kết thúc điều tra sẽ trả lại. Nhận thấy có gì đó không hợp lý nên chị N. tắt máy. Sau đó chị gọi lại số điện thoại này thì thuê bao không liên lạc được.

Người dân đến quầy giao dịch của Vinaphone Đắk Lắk để được hỗ trợ cập nhật thông tin, đăng ký chính chủ số thuê bao di động.

Nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, ngày 14/3/2023 Cục Viễn Thông - Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 978/CVT-PTHT gửi các doanh nghiệp viễn thông di động đề nghị triển khai các giải pháp bảo đảm thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hóa có thông tin, thuê bao đúng quy định. Theo đó, từ ngày 15/3/2023, các nhà mạng di động ở Việt Nam đã gửi tin nhắn tới các thuê bao di động trong diện cần phải chuẩn hóa thông tin, đáp ứng yêu cầu đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những chủ tài khoản thuê bao di động nhận được tin nhắn đa phần là người dùng có thông tin chưa khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

 

Để chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, người dùng có thể truy cập vào trang thông tin chính thức của các nhà mạng và thực hiện thao tác theo chỉ dẫn; tải app của các nhà mạng và thực hiện đồng bộ dữ liệu qua app trên điện thoại hoặc có thể đến các điểm giao dịch để được các nhân viên viễn thông hỗ trợ. Ngoài ra, đối với một số trường hợp đặc biệt, nhà mạng sẽ cho nhân viên đến tận nơi hỗ trợ người dùng chuẩn hóa thông tin.

Theo quy định, sau ngày 31/3, nếu khách hàng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa, các nhà mạng ngừng cung cấp dịch vụ một chiều và tiếp tục gửi tin nhắn thông báo tới chủ thuê bao. Đến ngày 15/4, tiếp tục khóa dịch vụ hai chiều cho các thuê bao chưa đáp ứng yêu cầu và sẽ thực hiện thu hồi số thuê bao từ ngày 15/5 nếu khách hàng vẫn không bổ sung, điều chỉnh lại thông tin kịp thời.

Lợi dụng quy định này, nhiều đối tượng đã thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, đe dọa yêu cầu chuyển tiền rồi chiếm đoạt tài sản, hoặc đánh cắp thông tin người dùng để lạm dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Trao đổi về thực trạng trên, một lãnh đạo của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh cho biết, điểm chung của những chiêu trò lừa đảo này là mạo danh cơ quan, tổ chức như Bộ, Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Viễn thông… gọi điện thông báo thuê bao người dùng bị cắt hoặc khóa hai chiều sau 1 - 2 giờ nữa. Các đối tượng xấu thường dùng phần mềm giả lập với nội dung cuộc gọi mặc định (có hiển thị số hoặc không hiển thị số, cả giọng nam và giọng nữ). Khi người nghe thực hiện theo yêu cầu hoặc hướng dẫn của các đối tượng, sẽ có phần mềm chiếm đoạt thông tin trên SIM của nạn nhân. Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân như CCCD/CMND, số tài khoản ngân hàng... và thực hiện thủ thuật chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Thủ đoạn lừa đảo này không mới, song có nhiều chiêu thức tinh vi. Vì vậy, người dùng thuê bao di động khi nhận được cuộc gọi đe dọa cắt dịch vụ, khóa SIM… thì nên chủ động tắt cuộc gọi, không làm theo bất kỳ yêu cầu hay hướng dẫn nào. Tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Đồng thời, khi gặp sự cố như trên, người dân trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn và xử lý.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.