Bỏ hộ khẩu giấy, người dân sẽ làm gì để xác định nhân thân?
Theo Luật Cư trú năm 2020, từ ngày 1/1/2023, sổ tạm trú, sổ hộ khẩu giấy sẽ chính thức bỏ, để chuyển sang quản lý dân cư bằng mã định danh cá nhân. Đây là bước tiến quan trọng của Bộ Công an góp phần xây dựng Chính phủ số, công dân số, nền kinh tế số và xã hội số, đem lại nhiều lợi ích cho cả Nhà nước và công dân.
Để hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn Thượng tá KIỀU THỊ ÁNH TUYẾT, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh.
Thượng tá Kiều Thị Ánh Tuyết, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh. |
♦ Hiện nay, nhiều người dân đang băn khoăn khi từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy chính thức hết giá trị sử dụng, vậy xin Thượng tá Ánh Tuyết cho biết phương án nào thay thế để chứng minh thông tin cư trú?
Để bảo đảm thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch dân sự của người dân khi sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng, Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện bằng việc sử dụng thông tin công dân để thay thế. Cụ thể: công dân sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử làm giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú của công dân; sử dụng thiết bị đọc mã QR code trên thẻ CCCD có gắn chíp; sử dụng các thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD; sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị thông tin trên thiết bị điện tử (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg, ngày 8/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ); sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA, ngày 15/5/2021 của Bộ Công an); sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định tại Thông tư số 59/TT-BCA, ngày 15/5/2021 của Bộ Công an).
♦ Công an trong tỉnh đã triển khai các biện pháp gì để các giao dịch hành chính của công dân được bảo đảm khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị sử dụng, thưa Thượng tá?
Để chuẩn bị các điều kiện cho thời điểm bỏ sổ hộ khẩu giấy sau ngày 31/12/2022, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, phần việc, giải pháp chuẩn bị sẵn sàng cho việc bỏ sổ hộ khẩu giấy.
Theo đó, lực lượng công an trong tỉnh đã tổ chức thu thập, cập nhật được hơn 2,1 triệu dữ liệu dân cư để thu nhận CCCD có gắn chip điện tử cho công dân. Đến nay, đã có 95% công dân trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đã được cấp CCCD; còn lại 5% chủ yếu là các trường hợp người già, người bị bệnh, người vắng mặt tại địa phương, người sai thông tin... Công an các xã, phường, thị trấn cũng đã triển khai hiệu quả việc cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú để công dân thực hiện thủ tục hành chính khi có yêu cầu; thực hiện cấp thông báo số định danh và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư cho 100% người dân chưa được cấp CCCD trên địa bàn, để giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và cần chứng minh nơi cư trú của mình.
Bên cạnh đó, lực lượng công an trong tỉnh cũng tổ chức hướng dẫn đăng ký, thu nhận tài khoản định danh điện tử cho công dân. Đến nay, đã hướng dẫn công dân đăng ký được 14.000 tài khoản định danh điện tử mức 1; tổ chức thu nhận 335.000 tài khoản mức 2 và đã kích hoạt được 35.000 tài khoản. Ngoài ra, Công an tỉnh còn tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều công văn, kế hoạch triển khai thực hiện Luật Cư trú năm 2020 trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương sử dụng 7 phương thức thay việc xuất trình sổ hộ khẩu khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự của công dân...
Để thuận lợi cho việc giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, người dân còn sử dụng chứng minh nhân dân 9 số cần khẩn trương liên hệ cơ quan công an nơi đang cư trú làm CCCD có gắn chip. Người dân cần phối hợp với cơ quan công an tổ chức thu nhận tài khoản định danh điện tử, và tích hợp các giấy tờ khác (như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...). Sau khi kích hoạt thành công, người dân sử dụng ứng dụng VNeID giải quyết các thủ tục hành chính sẽ nhanh chóng, giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo; có thể thực hiện nhiều dịch vụ công mà không phải trực tiếp đến trụ sở cơ quan nhà nước; thông tin được đảm bảo an toàn, bảo mật, chính xác.
♦ Xin cảm ơn Thượng tá Ánh Tuyết!
Lê Thành (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc