Con đường dẫn đến hòa bình cho Ukraine phải đi qua châu Âu
Sự chung sống hòa bình sẽ chỉ đạt được thông qua các cuộc đàm phán thành công giữa các thủ đô châu Âu và Moskva mà không có Mỹ.
Bất đồng chính trị và quân sự đang diễn ra giữa Nga và Mỹ là dấu hiệu gần đây nhất cho thấy kiến trúc kinh tế và an ninh của Châu Âu phải được chuyển đổi để hài hòa các lợi ích chiến lược của Châu Âu và Nga.
Theo Giáo sư David Carment, nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Đại học Carleton và Phó giáo sư Dani Belo tại Đại học Webster, nói cách khác, con đường kết thúc chiến tranh ở Ukraine đòi hỏi phải tập trung vào các ưu tiên an ninh của những bên có nhiều lợi ích nhất từ một giải pháp ngoại giao – đó là các quốc gia châu Âu, mà không phải Mỹ. Sự chung sống hòa bình phụ thuộc vào các cuộc đàm phán thành công giữa các thủ đô châu Âu và Moskva.
Một người đứng trong miệng hố tên lửa ở Kharkiv, Ukraine, ngày 1/7/2022. Ảnh: AP/TTXVN |
Cuộc chiến ở Ukraine không bắt đầu từ ngày 24/2/2022 mà đã kéo dài từ năm 2014. Từ năm 2014 đến năm 2022, hơn 15.000 người đã thiệt mạng, tạo ra một thảm họa nhân đạo cho Ukraine và khu vực miền đông Donbas của nước này.
Cuộc xung đột kéo dài đã dẫn đến việc bỏ lỡ các cơ hội hành động ngoại giao.
Những nỗ lực ngoại giao của châu Âu
Vào ngày 16/6/2022, các nhà lãnh đạo châu Âu gồm: Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp, Thủ tướng Olaf Scholz của Đức và Thủ tướng Mario Draghi của Italy đã đến thăm Kiev. Chuyến đi này tách biệt với chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Điều này chứng tỏ người châu Âu có khả năng thực hiện ngoại giao độc lập với Washington trong vấn đề Ukraine.
Nhưng đáng tiếc là việc theo đuổi hành động thông qua một liên minh phòng thủ như NATO, thay vì tập trung vào ngăn chặn và giải quyết xung đột thông qua các thỏa thuận an ninh tập thể - như Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (OSCE), Liên hiệp quốc và Liên minh Châu Âu - đã làm suy giảm tiềm năng cho một thoả thuận được đàm phán hoặc có trung gian.
Đoàn xe OSCE xếp hàng để rời vùng Donetsk, miền đông Ukraine vào ngày 1/3/2022. Ảnh: AP/TTXVN |
Tuy nhiên, các tổ chức an ninh có thể hỗ trợ một tiến trình ngoại giao lại ngày càng trở nên dễ bị tổn thương trong bối cảnh chiến tranh. Chẳng hạn, OSCE không còn có bất kỳ sự hiện diện thực sự nào trong việc giám sát xung đột bởi vì các đại diện của tổ chức đã bị nhắm mục tiêu, thay vì được coi là trung gian.
Theo các nhà phân tích, một bước quan trọng hướng tới hòa bình ở Ukraine là Kiev phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO trong khi vẫn đảm bảo tư cách thành viên EU. Quyết định này sẽ chuyển cuộc chiến khỏi một cuộc xung đột dựa trên đối đầu quân sự và hướng tới xây dựng khả năng phục hồi chính trị và kinh tế của Ukraine ở châu Âu.
Kiev đã được cấp tư cách ứng cử viên của EU, mở đầu hành trình trở thành thành viên của liên minh, trong khi đó triển vọng trở thành ứng viên gia nhập NATO của họ cơ bản đã giảm đi theo chiều ngược lại.
Số phận của Donbas, Crimea
Giáo sư David Carment và Dani Belo cho rằng, để trở thành thành viên EU, Ukraine nên sẵn sàng đàm phán một thoả thuận lâu dài để giải quyết tình trạng của Donbas, Crimea và các vùng lãnh thổ khác.
Cả Luhansk và Donetsk thuộc vùng Donbass, Ukraine đều là trọng tâm của sắc lệnh do Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành ba ngày trước khi đưa quân vào Ukraine, công nhận nền độc lập của họ. Khi cuộc chiến tiếp diễn, Nga đang nắm quyền kiểm soát kinh tế và chính trị trên thực tế đối với các khu vực này.
Cùng lúc đó, các điều kiện cần thiết để tái hợp nhất các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát trở lại một nhà nước Ukraine tập trung cao, lại không tồn tại vào thời điểm này. Do đó, ở mức tối thiểu, sự phân quyền phải là một phần của quá trình đàm phán, như được quy định trong Thỏa thuận Minsk tháng 2/2015 nhằm ngăn chặn giao tranh trong khu vực.
Cam kết giảm leo thang
EU và OSCE đang ở vị trí tốt hơn để hỗ trợ sự phân quyền của Ukraine vì họ có khả năng giám sát và củng cố quyền của cộng đồng thiểu số ở các quốc gia ứng cử viên và thành viên nơi mà các quyền chính trị, văn hóa và ngôn ngữ đã bị suy yếu.
Khi lựa chọn giữa thỏa hiệp hoặc tiếp tục chiến tranh, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ cần phải thực hiện các bước hữu hình, có thể đo lường được để giảm leo thang.
Điều này sẽ bao gồm bước đầu tiên là một thỏa thuận thiết lập khu vực ngừng bắn. Một lệnh ngừng bắn có thể đồng nghĩa với những nỗ lực tiếp theo để giảm căng thẳng, bao gồm việc rút lực lượng nếu có thể, tăng số lượng điểm giao cắt vượt qua các vùng đệm và đường liên lạc, loại bỏ bom mìn và đưa người dân trở về quê hương của họ.
Ngoài bước đầu tiên quan trọng này, cả hai bên phải chuẩn bị để đạt được nhất trí về chủ quyền và nền độc lập của Ukraine, nơi các quyền của cộng đồng thiểu số được tôn trọng và thực thi.
EU phải đóng vai trò lớn
Một số chuyên gia đã lập luận rằng chủ quyền của Ukraine nên được ủng hộ bởi 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ), cùng với Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là một mệnh lệnh cao, vì Moskva coi Mỹ là một bên đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraine. Đó cũng là lý do việc EU và OSCE đóng vai trò trung gian là rất quan trọng.
Bước thứ hai trong chương trình nghị sự phải là đàm phán về quy chế đặc biệt của các vùng lãnh thổ hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, bao gồm Donbas và Crimea.
Các tuyên bố tranh chấp đối với Crimea nên bao gồm các nghị quyết về tài nguyên chung, lợi ích thương mại chung và an ninh của hạm đội Nga tại Sevastopol.
Bước thứ ba là duy trì khả năng tiếp cận và di chuyển an toàn, tự do trên khắp Biển Đen, không bị cản trở bởi mìn, phong tỏa và cấm vận.
Bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Ukraine sẽ mang lại sự ổn định trong khu vực thông qua quyền tự do đi lại của người dân và hàng hóa. Nếu người dân địa phương không nhìn thấy những lợi ích hữu hình trước mắt, cuộc xung đột kéo dài sẽ tiếp tục làm xói mòn niềm tin của họ vào bất kỳ giải pháp ổn định lâu dài nào.
Để đạt được những mục tiêu trên, cái gọi là “công thức Steinmeier” - nền tảng của các giao thức Minsk II - cung cấp cho các nhà đàm phán một khuôn mẫu cho quy trình.
Có thể giảm dần căng thẳng nếu các bên thực hiện cách tiếp cận có hệ thống tập trung vào nơi có khả năng đạt được thỏa thuận, bao gồm cả việc ngừng bắn và tạo vùng đệm nói trên, trước khi chuyển sang các vấn đề hóc búa hơn như biên giới cố định.
Đáng tiếc là, kể từ khi bắt đầu xung đột vào tháng 2, các kênh ngoại giao của phương Tây với Moskva đã bị cắt giảm chỉ còn một vài cuộc điện thoại giữa các nhà lãnh đạo Macron, Scholz và Putin. Lập trường cứng rắn của cả hai bên đã ngăn cản bất kỳ thỏa thuận vững chắc nào về hành lang nhân đạo.
Để tránh một cuộc xung đột đóng băng - tức là khi giao tranh đã kết thúc nhưng không có hiệp ước hòa bình nào được thực hiện - các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ cần được dỡ bỏ tùy theo đóng góp của nước này vào một kết quả mang tính xây dựng và lâu dài.
Mặt khác, Ukraine phải tin rằng một cuộc chiến kéo dài sẽ chỉ làm giảm triển vọng ổn định kinh tế và chính trị lâu dài, với triển vọng trở thành thành viên EU giảm nhanh chóng theo thời gian.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc