Multimedia Đọc Báo in

Bài toán “khó giải” nhất trước thềm Thượng đỉnh G20

16:12, 23/08/2022

Liệu rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga và Mỹ sẽ cùng xuất hiện ở Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 11 tới đây? Indonesia - Chủ tịch G20 năm nay - đang “đau đầu” tìm lời giải cho một “bài toán khó”.

Ngày 19/8, ông Andi Widjajanto, Cố vấn lâu năm của Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại hòn đảo nghỉ dưỡng Bali vào tháng 11 này.

Trao đổi với hãng tin Reuters, ông Widjajanto nói: “Ông Jokowi nói với tôi rằng, cả ông Tập Cận Bình và ông Putin đều có kế hoạch tham dự hội nghị ở Bali”.

Lời đảm bảo cho "cầu nối hòa bình"

Ngày 18/8, ông Jokowi nói với Bloomberg News rằng, cả hai nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nga đều đã có lời đảm bảo với ông về việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không có phản hồi về thông tin. Trong khi đó, một phát ngôn viên của Điện Kremlin từ chối bình luận với hãng Bloomberg, nhưng một quan chức khác nắm rõ tình hình tiết lộ rằng, ông Putin có kế hoạch đích thân tham dự cuộc họp này.

Về phía Trung Quốc, chuyến công du sắp tới có ý nghĩa quan trọng vì đây sẽ là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình rời Trung Quốc kể từ khi ông đến Myanmar vào tháng 1/2020. Trung Quốc duy trì chính sách “Zero COVID-19”.

Ngoài ra, theo một bản tin trên tờ The Wall Street Journal, các quan chức Bắc Kinh đang lên kế hoạch về cuộc gặp vào tháng 11 ở Đông Nam Á giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden, người dự kiến sẽ tham dự Thượng đỉnh G20 ở Bali.

Indonesia cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới tại Bali. (Ảnh: CNN)
Indonesia cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới tại Bali. Ảnh: CNN

Với tư cách là Chủ tịch G20 năm nay, Indonesia đang phải đối mặt với áp lực từ các nước phương Tây về việc rút lại lời mời dành cho ông Putin do Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine. Indonesia cũng đã mời nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự sự kiện.

Thời gian gần đây, ông Jokowi muốn đóng vai trò là người hòa giải xung đột Nga - Ukraine. Trong những tháng qua, ông đã đến gặp cả hai Tổng thống của Ukraine và Nga để kêu gọi chấm dứt xung đột, đồng thời tìm cách kiềm chế cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tuần này, ông Jokowi cho biết cả hai nước đã chấp nhận Indonesia là “cầu nối hòa bình”.

Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ dự Hội nghị G20, nhưng không rõ ông có tiếp xúc với người đồng cấp Nga hay không. Tháng 7 vừa qua, các bộ trưởng của nhóm G20 đã họp ở Bali.

Tuy nhiên, kỳ họp cũng có căng thẳng khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken không hề tiếp xúc với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Sau đó, hai bên tiếp tục tránh mặt nhau, trong khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được cho là đã bỏ lễ tiếp đón khi ông Blinken bước vào.

Câu hỏi về Ukraine...

Cuộc xung đột Nga - Ukraine chắc chắn sẽ là chủ đề được các nhà lãnh đạo bàn đến tại Hội nghị G20 sắp tới.

Tuần này, Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có chuyến thăm Ukraine và gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky ở Lvov. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng ông “lo ngại về sự an toàn” tại nhà máy điện hạt nhân của Ukraine.

Tại các cuộc trao đổi với báo chí, ông Erdogan, người gặp Tổng thống Nga Putin cách đây 2 tuần, đã nêu ra một ý gây ngạc nhiên rằng “Nga muốn hội đàm hòa bình với Ukraine”.

Đáp lại, ông Zelensky nói, để hội đàm hòa bình, việc đầu tiên là Nga phải “rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine”. Tổng thư ký LHQ Guterres cũng cho biết ông ngạc nhiên khi nghe “lời nhắn” từ Điện Kremlin về việc hòa đàm với Kiev.

Ông Guterres có kế hoạch tới Odessa để đánh giá việc mở đường cho tàu chở ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine đi ra thị trường quốc tế.

Đây là một thành công của chính ông và LHQ sau khi vận động được Moscow chấp nhận không tấn công các cảng và tuyến hàng hải chở ngũ cốc ra thế giới, giúp giảm bớt vấn đề thiếu lương thực toàn cầu, nhất là tại châu Phi.

Trước các cuộc gặp ở Lvov, giới chức Ukraine cho hay, chuyến tàu hàng thứ 25 chở 33.000 tấn ngũ cốc đã rời cảng tới Ai Cập.

... và thế khó của Mỹ

Melinda Haring, Phó Giám đốc Trung tâm Á - Âu của Hội đồng Đại Tây Dương trả lời Japan Times cho biết: “Tổng thống Biden chắc chắn sẽ tới Hội nghị G20 và tôi nghĩ vấn đề là ông ấy sẽ đối mặt với sự kiện này ra sao... Tẩy chay hội nghị không phải là một lựa chọn phù hợp".

Ngày 19/8, Nhà Trắng đã bỏ phiếu về quyết định này. Trong một tuyên bố, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nhắc lại niềm tin của ông Biden rằng, ông Putin không nên tham dự Thượng đỉnh. Tuy nhiên, nếu ông Putin dự thì Tổng thống Ukraine Zelensky cũng nên tham gia.

Điều này mở ra khả năng ông Zelensky có thể tham dự dưới hình thức trực tuyến thay vì trực tiếp. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã làm điều tương tự vào tháng 7 khi phát biểu tại một cuộc họp của các ngoại trưởng G20.

Ngay cả những người ủng hộ chính quyền Tổng thống Biden cũng đặt câu hỏi liệu cách tiếp cận đối đầu với Nga của ông có hiệu quả hay không.

Trả lời phỏng vấn hãng Bloomberg, Leon Panetta, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết: “Tôi không nghĩ rằng Tổng thống nên cố tránh né các hội nghị này...

Cuối cùng, nếu chúng ta không muốn xung đột với Nga hoặc với Trung Quốc, cách giải quyết vấn đề duy nhất là thông qua sự sẵn sàng đối thoại với nhau và xem liệu có cơ hội nào để cải thiện mối quan hệ hay không”.

Theo Baoquocte.vn
 


Ý kiến bạn đọc