Multimedia Đọc Báo in

Thế giới quan ngại về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân

08:38, 09/10/2022

Trong phiên tranh luận chung của Ủy ban giải trừ vũ khí và an ninh quốc tế tại Khóa họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) ngày 3/10, Phó Tổng thư ký, Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị của LHQ Izumi Nakamitsu đã tuyên bố những mối nguy hiểm tiềm tàng từ vũ khí hạt nhân lại gây sự quan ngại trên toàn cầu.

Bà Nakamitsu kêu gọi tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân "cam kết không sử dụng trước bất kỳ vũ khí hạt nhân nào", coi đây là biện pháp giúp bảo vệ nhân loại khỏi bị diệt vong. Bà Nakamitsu cũng kêu gọi tất cả các nước "lùi khỏi bờ vực chiến tranh hạt nhân", chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cũng như nguy cơ mất an toàn hạt nhân.

Trước đó, phát biểu tại phiên họp cấp cao kỷ niệm Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân hôm 26/9, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng cho rằng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay, với sự thiếu vắng lòng tin và cả gây hấn công khai, thế giới đang có nguy cơ lãng quên những bài học kinh hoàng của sự kiện Nagasaki, Hiroshima hay trong Chiến tranh Lạnh.

Rõ ràng những quan ngại nói trên là có cơ sở trong bối cảnh gia tăng căng thẳng, xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới hiện nay. Mới đây nhất, vào ngày 6/10, Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng tên lửa đạn đạo lần thứ 6 trong vòng chưa đầy 2 tuần. Bình Nhưỡng đã bắn gần 40 tên lửa đạn đạo trong khoảng 20 vụ thử khác nhau trong năm nay. Điều đó khiến nhiều nước lo ngại Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7 hoặc tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Vũ khí hạt nhân là trung tâm trong chiến lược quân sự của Nga. Ảnh minh họa: Sputnik

Trước đó nữa, vào hôm 8/9, Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên đã thông qua luật "Chính sách về lực lượng hạt nhân" xác lập tư cách quốc gia hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời đóng sập cánh cửa nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Luật mới này đã cập nhật học thuyết quân sự của Triều Tiên, thay thế cho luật có từ năm 2013. Luật năm 2013 quy định Triều Tiên có thể dùng vũ khí hạt nhân để đẩy lùi cuộc xâm lược hoặc cuộc tấn công của một quốc gia hạt nhân thù địch và thực hiện các cuộc tấn công trả đũa. Tuy nhiên, luật mới đã vượt ra ngoài khuôn khổ này, cho phép Triều Tiên tấn công hạt nhân phủ đầu nếu họ phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào "các mục tiêu chiến lược" của Triều Tiên, trong đó có giới lãnh đạo của nước này. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố, với luật mới này, "trạng thái quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân của chúng tôi trở nên không thể đảo ngược".

Phản ứng trước những động thái mới của Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc và các lực lượng Mỹ đã tiến hành tập trận phóng 4 quả tên lửa đất đối đất vào vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc diễn ra chỉ một ngày sau khi quân đội Mỹ và Nhật Bản cũng tiến hành một cuộc tập trận chung trên bầu trời phía Tây đảo Kyushu thuộc vùng biển Nhật Bản, với sự tham gia của 8 máy bay chiến đấu của Nhật Bản và 4 của Mỹ. Đồng thời tàu sân bay chạy năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan đã áp sát bán đảo Triều Tiên nhằm phô diễn sức mạnh răn đe. 

 

Đối đầu bằng vũ khí hạt nhân rõ ràng là điều không ai mong muốn, và nó sẽ gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên. Thế giới vẫn đang nỗ lực tìm giải pháp cho các cuộc xung đột bằng các biện pháp ngoại giao, đối thoại tìm tiếng nói chung.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản của Triều Tiên, bất chấp các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ. Người đứng đầu LHQ cũng kêu gọi Bình Nhưỡng nối lại đối thoại với các bên chủ chốt nhằm hướng tới “phi hạt nhân hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên”. Liên minh châu Âu (EU) cũng ra tuyên bố nhấn mạnh, việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản là một hành động “liều lĩnh và cố ý khiêu khích”, vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. EU kêu gọi Triều Tiên ngừng phóng tên lửa, kiềm chế thử hạt nhân và tham gia đối thoại có ý nghĩa với Mỹ, Hàn Quốc và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế về nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Cùng với đó, những diễn biến mới trong cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng làm gia tăng lo ngại về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân. Tổng thống Nga Putin ngày 30/9 đã ký các hiệp ước sáp nhập bốn vùng lãnh thổ Ukraine (gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye) vào Nga. Ông Putin tuyên bố những người dân sống ở bốn vùng này đã trở thành "công dân của chúng tôi mãi mãi" và khẳng định Nga sẽ bảo vệ lãnh thổ mới bằng "tất cả phương tiện sẵn có".

Nga từng cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine và việc nước này sáp nhập bốn vùng lãnh thổ Ukraine làm dấy lên câu hỏi Moscow sẽ phản ứng như thế nào trước các cuộc tấn công vào những khu vực này. Giới phân tích cho rằng, chiến sự sẽ diễn biến khó lường khi giờ đây Nga coi bốn tỉnh của Ukraine là lãnh thổ của mình. Về mặt lý thuyết, nếu Ukraine tấn công các khu vực đó thì đây sẽ là lần đầu tiên một cường quốc hạt nhân bị tấn công và có nguy cơ mất lãnh thổ.

Đến nay, phương Tây vẫn mơ hồ về cách họ sẽ phản ứng với một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật từ Nga. Bên cạnh đó, các lựa chọn đáp trả với phương Tây cũng khá phức tạp. Mỹ và NATO không muốn tỏ ra yếu thế trước lời đe dọa hạt nhân của Nga. Tuy nhiên, họ cũng muốn tránh nguy cơ xung đột ở Ukraine, quốc gia không phải thành viên NATO, leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu với sức tàn phá khủng khiếp hơn nhiều.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 5/10 tuyên bố các nước thành viên EU sẵn sàng giải quyết cuộc xung đột quân sự ở Ukraine bằng biện pháp ngoại giao "nếu hoàn cảnh cho phép". Ai cũng hiểu như lời khẳng định của Đại sứ Iraq Hommed Hussein Mohammed Bahr Aluloom tại Khóa họp thứ 77 của Đại hội đồng LHQ, rằng sự tồn tại của vũ khí hạt nhân khiến không thể thiết lập hòa bình, an ninh và ổn định toàn cầu…

Hồng Hà (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc