Multimedia Đọc Báo in

Lý do khiến các ngân hàng trung ương thu mua vàng nhiều kỷ lục

17:40, 03/11/2022

Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tích lũy vàng dự trữ với tốc độ nhanh nhất trong 55 năm.

Lượng vàng kỷ lục

Theo trang oilprice.com ngày 2/11, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết các ngân hàng trung ương đã mua kỷ lục 399 tấn vàng trị giá khoảng 20 tỷ USD trong quý 3 năm 2022, khi nhu cầu toàn cầu đối với kim loại quý này trở lại mức trước đại dịch.

Theo báo cáo hàng quý mới nhất của WGC, nhu cầu của các hãng trang sức và người mua lẻ vàng miếng, tiền xu cũng rất mạnh.

Nhu cầu vàng của thế giới lên tới 1.181 tấn trong tháng 9, tạo ra mức tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm trước.

Một số khách hàng mua lớn nhất là ngân hàng trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Qatar và Ấn Độ. Mặc dù các ngân hàng trung ương khác cũng mua một lượng vàng đáng kể nhưng không báo cáo công khai.
Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là bên mua vàng lớn nhất trong năm nay. Ngân hàng này đã bổ sung thêm 31 tấn trong quý 3 để nâng tổng dự trữ vàng của Thổ Nhĩ Kỳ lên 489 tấn.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Uzbekistan mua thêm 26 tấn; Ngân hàng Trung ương Qatar mua 15 tấn; Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã bổ sung 17 tấn trong quý vừa rồi, đẩy dự trữ vàng của nước này lên 785 tấn.

Lượng mà khách mua lẻ vàng miếng và tiền xu ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng lên 46,8 tấn trong quý 3, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những diễn biến này hầu như không gây ngạc nhiên vì vàng vẫn được coi là tài sản an toàn ưu việt trong thời điểm bất ổn, cho dù có các loại tiền điện tử như Bitcoin. Vàng cũng được coi là một biện pháp phòng ngừa lạm phát hiệu quả.

Tuy nhiên, lãi suất tăng đã làm ảnh hưởng tới giá vàng khi các quỹ giao dịch hối đoái (ETF) lưu trữ vàng thỏi cho các nhà đầu tư đang trở thành bên bán.

Trên thực tế, việc các quỹ ETF bán bớt vàng đã trong khi các ngân hàng trung ương mua vào đã làm giá vàng giảm 8% trong quý 3.

Vàng là tài sản không chịu lãi suất và các nhà đầu tư có xu hướng chuyển tiền sang các công cụ có lợi suất cao hơn trong thời điểm lãi suất tăng.

Vàng sau khi được đánh bóng tại cơ sở chế tác ở Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Vàng sau khi được đánh bóng tại cơ sở chế tác ở Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng đô la Mỹ quá mạnh cũng không giúp tăng giá vàng và hàng hóa. Giá vàng giảm 9,3% so với đầu năm và thấp hơn gần 20% so với mức đỉnh tháng 3 là 2.050 USD/ounce.

Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Trung ương Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất lên 75 điểm cơ bản lần thứ tư liên tiếp. Sau đó, FED có thể giảm quy mô của các đợt tăng lãi suất bắt đầu từ tháng 12.

Khi lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức cao, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy lãi suất cao đang bắt đầu làm chậm nền kinh tế. Thị trường nhà đất lao dốc và một số lãi suất thế chấp ở Mỹ tăng gần gấp đôi. Điều này khiến FED phải chịu áp lực từ những lời kêu gọi giảm bớt các động thái tăng lãi suất mạnh.

Trong bối cảnh đó, các nhà giao dịch vàng dường như nhất trí rằng quỹ đạo dài hạn của vàng đang đi lên.

Theo một cuộc khảo sát của ngành vàng, giá vàng sẽ tăng trở lại trong năm tới, mặc dù lãi suất cao hơn. Các nhà giao dịch dự báo giá vàng sẽ tăng lên 1.830,50 USD/ounce vào thời điểm này trong năm 2023, cao hơn gần 11% so với mức hiện tại.

Tính toán của các ngân hàng trung ương

Mặc dù số vàng mà các ngân hàng trung ương mua vào chỉ chiếm 16% tổng nhu cầu vàng, nhưng động thái này cho thấy tính toán của các ngân hàng trung ương.

Chỉ bảy năm trước, một cuộc khảo sát của các nhà kinh tế đã cho thấy có bất đồng đáng kể về những lợi ích tiềm năng của chế độ bản vị vàng. Liệu ngân hàng trung ương không đồng ý với các nhà kinh tế học hàng đầu hay họ có một động cơ khác?

Theo trang fee.org, viết trên Tạp chí Cato, tác giả Lawrence White đã tìm hiểm xem thế giới có thể chuyển đổi sang bản vị vàng mới hay không. Ông lưu ý hai con đường có thể xảy ra.

Đầu tiên, một bản vị vàng song song có thể được phép phát triển cùng với tiền giấy hiện tại. Ngoài ra, có thể có một ngày chuyển đổi mà trong đó một loại tiền tệ được xác định bằng một số lượng vàng.

Để việc chuyển đổi có hiệu quả (tức là không gây ra lạm phát hoặc giảm phát), tỷ giá tương đương mới sẽ cần phải dựa trên giá vàng hiện tại.

Tuy nhiên, có chuyên gia lại cho rằng thay vì thực hiện chế độ bản vị vàng, các quốc gia cũng có thể đang tìm cách tách mình khỏi nền kinh tế Mỹ.

Khi đồng USD tham gia vào hầu hết các giao dịch thương mại và được sử dụng làm cơ sở trong phần lớn các sàn giao dịch tiền tệ, hầu như không có mấy hoạt động không liên quan tới kinh tế Mỹ.

Vì lý do này, Trung Quốc đã kêu gọi để một loại tiền tệ khác thay thế đồng đô la Mỹ làm loại tiền tệ dự trữ toàn cầu. Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi tăng mua vàng để thực hiện chính sách "pháo đài tài khóa" với dự trữ cao và nợ nước ngoài thấp.

Một cân nhắc cuối cùng nằm ở tình trạng thương mại quốc tế hiện đại. Cho dù vàng đang được tích lũy dưới dạng tiền tệ hay tài sản, các diễn biến vẫn được chú ý. Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang, có thể các vụ mua bán vàng có mục đích để làm đòn bẩy.

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Trung Quốc có thể sử dụng lượng vàng nắm giữ để phá giá đồng USD. Nếu vậy, Mỹ sẽ phải chịu chi phí cao hơn nhiều so với doanh thu từ thuế quan đánh vào các doanh nghiệp Trung Quốc và công dân Mỹ. Bằng cách tích lũy vàng, Trung Quốc cho thấy phối hợp là một chính sách dài hạn tốt hơn.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.