Multimedia Đọc Báo in

Thử thách cho tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk

15:51, 27/11/2021

Trung tuần tháng 12 tới đây, vòng 2 Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2021 chính thức khởi tranh tại Ninh Bình. Đội tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk bước vào cuộc chiến trụ hạng cùng với các đội: Thái Bình, Ninh Bình, Hóa chất Đức Giang Hà Nội và Ngân hàng Công thương.

Điểm qua danh sách các đối thủ mà thầy trò Huấn luyện viên Trần Đăng Thành đối mặt ở giai đoạn quyết định có thể thấy cơ hội lọt vào tốp 3 của đại diện đến từ phố núi Ban Mê là rất khó, khi so sánh tương quan với các ứng cử viên cho 3 vị trí đầu là Ninh Bình, Thái Bình và Hóa chất Đức Giang Hà Nội.

Với Ninh Bình, đội bóng có trong đội hình gần như 100% lực lượng của Truyền hình Vĩnh Long tại vòng 1 đã tạo nên bất ngờ lớn nhất giải khi xếp thứ hai của bảng A, chỉ sau đội bóng giàu truyền thống, đương kim vô địch giải năm 2020 là Bộ Tư lệnh Thông tin. Dưới sự dẫn dắt của Huấn luyện viên tài năng Thái Thanh Tùng, người đã từng nhiều năm gắn bó với đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia, Ninh Bình chơi cực kỳ khởi sắc. Ở 4 trận đấu của bảng, họ chỉ để thua duy nhất một trận trước Bộ Tư lệnh Thông tin. Song Ninh Bình cũng đã “phục hận” thành công khi vượt qua chính nhà đương kim vô địch ở Cúp Hùng Vương 2021 trong trận tranh hạng 3 để giành Huy chương Đồng. Ở vòng 2, Ninh Bình có lợi thế rất lớn khi được chơi trên sân nhà. Yếu tố này có thể giúp họ thi đấu hưng phấn, mạnh mẽ, có thành tích tốt hơn.

Đội hình các nữ cầu thủ Đắk Lắk thường ra sân.

Đối thủ cạnh tranh một trong những vị trí đầu bảng với Ninh Bình chắc chắn là Hóa chất Đức Giang Hà Nội. Đội bóng Á quân của mùa giải 2020 đến từ thủ đô có lực lượng hùng hậu, sở hữu trong đội hình những gương mặt xuất sắc như phụ công Lý Thị Luyến cao đến 1,9 m và chủ công Nguyễn Thị Xuân, libero Nguyễn Thị Thanh Liên, chuyền 2 Lê Minh Nhâm… những cái tên mà chỉ cần nhắc đến, bất cứ đội bóng nào cũng mong muốn có được sự phục vụ của họ trong đội hình.

Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Hà cùng các học trò quyết giành tấm vé vào bán kết, để tái lập lại thành tích năm 2020 khi xuất sắc vào đến trận đấu cuối cùng của giải. Theo thông tin từ ban huấn luyện, đội bóng đã tập luyện xuyên dịch, ăn ở, tập luyện tập trung tại đại bản doanh Nhà thi đấu Gia Lâm theo phương châm "nội bất xuất, ngoại bất nhập" nhằm duy trì trạng thái thể lực và tinh thần thi đấu tốt nhất, sẵn sàng xung trận.

Đội bóng thứ ba, có thể gây khó khăn cho Hóa chất Đức Giang Hà Nội và Ninh Bình là Thái Bình. Đội bóng của Huấn luyện viên Trần Văn Giáp có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn quyết định khi bổ sung vận động viên Luân Thị Loan từ Hóa chất Đức Giang Hà Nội và Võ Thị Hiền của Nghệ An. Bên cạnh đó, chuyền 2 Phạm Thị Diệp trở lại sau thời gian nghỉ sinh sẽ giúp tuyến 2 của Thái Bình mạnh hơn. Đội bóng quê lúa đã sẵn sàng tư thế đối đầu với bất cứ đối thủ nào trong bảng.

Về phía đội bóng Ngân hàng Công thương, mùa giải này không được đánh giá cao bởi sự thay đổi, biến động rất lớn trong nội bộ. Những gương mặt trụ cột của đội bóng như Đoàn Thị Xuân, Lưu Thị Huệ, Vi Thị Như Quỳnh lần lượt chia tay đã ảnh hưởng rất lớn đến phong độ của đội. Ở giai đoạn 1, Ngân hàng Công thương xếp áp chót của bảng đấu. Sẽ không có gì bất ngờ khi Ngân hàng Công thương là một trong 4 đội phải tham gia trận “chung kết ngược”, giành vé trụ hạng.

Các cô gái Đắk Lắk sẽ đối mặt với nhiều khó khăn ở giai đoạn 2.

Với đại diện duy nhất của các tỉnh Tây Nguyên đang tranh tài ở giải đấu đỉnh cao nhất của bóng chuyền Việt Nam là Đắk Lắk, giới chuyên môn nhận định các học trò của Huấn luyện viên Trần Đăng Thành không có nhiều cơ hội giành 3 vị trí đầu. Lực lượng của đội bóng phố núi Ban Mê không có sự bổ sung nhân tố nào mới mà vẫn giữ nguyên lực lượng ở giai đoạn 1. Chưa kể đội hình còn bị sứt mẻ về lực lượng sau khi chuyền 2 Đặng Thu Huyền giải nghệ khiến thành tích của đội ở giai đoạn 1 càng giảm sút, xếp cuối bảng và không thắng được một séc nào.

Huấn luyện viên Trần Đăng Thành rất lo lắng với mục tiêu trụ hạng của đội, mọi kỳ vọng đều trông chờ, đặt vào đối chuyền, tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Trinh và chủ công H’Mia Êban. Về phía người hâm mộ, họ đang chờ đợi các cô gái Đắk Lắk, trong đó một số vận động viên sẽ hết hợp đồng vào năm 2021 thi đấu quyết tâm, cống hiến hết mình, giúp đội bóng trụ hạng thành công trước khi quyết định chia tay hoặc ở lại đội bóng.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.