Multimedia Đọc Báo in

Khi thể thao đối mặt với COVID-19

04:41, 18/12/2021

Một số giải thể thao vừa kết thúc hoặc đang khởi tranh xảy ra trường hợp vận động viên nhiễm COVID-19, làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổ chức cũng như chất lượng của giải.

Tại Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia 2021 đang diễn ra tại Ninh Bình, ngay trước thềm khởi tranh, đội bóng chuyền nữ VTV Bình Điền Long An có đến 10 thành viên nhiễm COVID-19,  gồm 7 vận động viên, 1 trợ lý huấn luyện viên, 1 nhân viên kỹ thuật, 1 lãnh đạo câu lạc bộ; các thành viên còn lại đều là F1. Lực lượng bị sứt mẻ nghiêm trọng bởi lý do khách quan, không còn cách nào khác VTV Bình Điền Long An phải rút lui, không tham dự giải.

Tương tự là đội bóng chuyền nam Long An. Đội này đã đến Ninh Bình chuẩn bị tranh tài từ ngày 4/12 và phát hiện 2 trường hợp dương tính nên toàn đội phải cách ly tập trung trong thời gian một tuần, sau đó tiếp tục theo dõi thêm 7 ngày nữa, phải đến ngày 18/12 mới có thể tham dự, trong khi giải chính thức khởi tranh từ ngày 14/12. Trong tình thế đó, thầy trò Huấn luyện viên Nguyễn Quốc Vũ cũng buộc phải rút lui.

Gần một năm nay, Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh đã không còn đông khán giả như trước do nhiều giải đấu bị hoãn.

Do có đến hai đội bóng bỏ giải, không còn cách nào khác, để đảm bảo quyền lợi cho các đội bóng, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam buộc phải điều chỉnh, thay đổi Điều lệ giải. Theo đó, mùa bóng 2021 sẽ không có đội bóng phải xuống hạng ở cả 2 nội dung nam và nữ. Cùng với đó, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cũng thay đổi thể thức thi đấu. Cụ thể đội nhất bảng C gặp nhì bảng D, đội nhất bảng D gặp nhì bảng C, trận chung kết diễn ra giữa hai đội thắng, hai đội thua ở bán kết tranh hạng ba.

Sự thay đổi ngoài ý muốn này gián tiếp làm giảm sức hấp dẫn của giải, bởi khán giả sẽ không được chứng kiến trận “chung kết ngược”, vốn cũng hấp dẫn không kém cuộc đua đến ngôi vô địch để xác định danh tính đội bóng phải xuống hạng.

Trước đó, Giải Futsal HDBank vô địch quốc gia 2021 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh cũng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Đây là giải đấu được tổ chức chặt chẽ, theo quy trình khép kín, “cơ chế bong bóng”, tất cả thành viên các đội được Ban tổ chức sắp xếp, bố trí khách sạn có điều kiện cách ly an toàn so với bên ngoài theo phương châm "một cung đường hai điểm đến". Dù đã tổ chức kín kẽ như thế, song trong quá trình diễn ra giải vẫn phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19, một số trận đấu phải tạm hoãn, cầu thủ ra sân đeo khẩu trang để bảo đảm an toàn. Lực lượng các đội bóng cũng bị suy yếu do có cầu thủ nhiễm COVID-19, hoặc phải thực hiện cách ly, ảnh hưởng lớn đến thành tích của đội. Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 buộc Ban tổ chức giải đưa ra quyết định hủy Giải Futsal Cúp quốc gia 2021 mà theo kế hoạch sẽ diễn ra ngay sau đó nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm.

Còn tại Giải Boxing vô địch toàn quốc 2021 vừa diễn ra tại Bắc Ninh, một trọng tài cũng đã bị nhiễm COVID-19, kéo theo 18 trọng tài khác là F1, F2. Để có đủ lực lượng làm nhiệm vụ, Ban tổ chức phải “chữa cháy” bằng cách bố trí 18 trọng tài quốc tế và quốc gia đang làm huấn luyện viên các đoàn dự giải, điều hành các trận đấu.

Các cầu thủ test nhanh vi rút SARS -CoV- 2 tại Giải Futsal HDBank vô địch quốc gia 2021.

Có thể nói, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc quyết định vẫn tổ chức các môn thể thao thành tích cao là một nỗ lực rất lớn của ban tổ chức các giải, hướng đến mục đích phục vụ khán giả, qua đó duy trì chất lượng chuyên môn, phong độ của vận động viên. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tình hình chung hiện nay là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tất nhiên trong quá trình chuẩn bị, ban tổ chức luôn xây dựng phương án, kịch bản tối ưu nhất, nhằm đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 tốt nhất có thể.

Ông Phạm Anh Vũ, Ban tổ chức Giải Futsal HDBank vô địch quốc gia 2021 cho biết: “Để chuẩn bị cho giải đấu quy mô này, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về tổ chức sự kiện thể thao của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, toàn bộ đoàn tham dự phải có "thẻ xanh" vắc xin, giấy xác nhận tiêm mũi 1 trước 14 ngày hoặc F0 đã khỏi bệnh trong thời hạn 6 tháng. Quá trình diễn ra giải, luôn có giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM về an toàn phòng dịch”. Dẫu chặt chẽ, nghiêm ngặt như vậy, song vẫn xảy ra sự cố ngoài ý muốn khi có trường hợp nhiễm COVID-19.

Từ các sự cố trên, có thể thấy để các giải thể thao thành tích cao diễn ra an toàn hơn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ban tổ chức, các đoàn huấn luyện viên tham dự và địa phương đăng cai. Trong đó, ý thức chấp hành các quy định phòng, chống dịch của vận động viên, phục vụ đoàn đóng vai trò quyết định đến thành công của giải. Còn nếu không, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, sau khi xem xét toàn diện các yếu tố, việc quyết định tạm dừng các giải đấu, bảo đảm an toàn cho vận động viên, huấn luyện viên có thể là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Đơn cử như tại Đắk Lắk, trong bối cảnh dịch bệnh khá phức tạp, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thống nhất quyết định hoãn Giải Vô địch Bóng chuyền trẻ quốc gia 2021, Giải Bơi toàn quốc 2021, không đăng cai Giải lân sư rồng toàn quốc năm 2021 hoặc lùi thời hạn tổ chức Giải Vô địch Bóng bàn các câu lạc bộ quốc gia năm 2021 đến khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tất nhiên trong tình hình hiện nay, những quyết định của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đắk Lắk nhận được sự đồng tình của các đội đã đăng ký tham dự.

Đăng Triều

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.