Nỗi buồn mang tên thể thao “chuyên nghiệp”
Sau khi dẫn dắt đội tuyển Thái Lan trong thời gian ngắn (2 tháng) giành chức vô địch AFF Cup, giúp “Voi chiến” trở lại ngôi vị số 1 khu vực Đông Nam Á, Huấn luyện viên Alexandre Polking thẳng thắn đưa ra nhận xét mang tính góp ý khiến những ai quan tâm đến thể thao Việt Nam phải suy nghĩ là: “Nhiều câu lạc bộ Việt Nam thiếu chuyên nghiệp”.
Là người đã từng gắn bó với bóng đá Việt Nam, trên cương vị Huấn luyện viên Câu lạc bộ bóng đá TP. Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian không quá dài (9 tháng) nhưng cũng quá đủ để ông thầy người Đức có cái nhìn tổng thể, đánh giá khá chính xác về tính chuyên nghiệp của thể thao Việt Nam. Cụ thể, tính chuyên nghiệp ông đề cập ở đây thể hiện rõ ở việc các câu lạc bộ trước khi tham dự giải cần có sự chuẩn bị, xây dựng kế hoạch tài chính bền vững, lâu dài, đủ khả năng “nuôi sống” đội bóng, trả lương cho cầu thủ cũng như đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo lực lượng kế cận… để câu lạc bộ không rơi vào tình trạng gãy gánh, rời cuộc chơi giữa chừng.
Mới đây, đội bóng giàu truyền thống, với lịch sử hơn 60 năm, và là một trong những câu lạc bộ thuộc tốp 5 của Giải bóng đá vô địch quốc gia Than Quảng Ninh phải từ giã V-League 1 do… cạn kiệt tài chính. Điều này thêm một lần nữa cho thấy nhận định xác đáng trên của Huấn luyện viên Alexandre Polking. Một đội bóng khác đang thi đấu tại Giải hạng Nhất quốc gia là Câu lạc bộ bóng đá An Giang cũng ngậm ngùi đưa ra quyết định không tham dự hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp quốc gia năm 2022 cũng với lý do tương tự: khó khăn về kinh phí hoạt động. Đội bóng từng đại diện đất nước tranh tài ở Cúp C2 châu Á, đã 3 lần đoạt huy chương đồng ở Cúp quốc gia, sẽ bắt đầu lại từ giải hạng 3.
Không riêng gì bóng đá mà các bộ môn khác cần phải chuyên nghiệp mới có thể duy trì và thu hút khán giả. |
Mùa giải 2022 này, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) quyết định cắt suất dự vòng bảng AFC Cup của Việt Nam sau khi lần lượt hết đội bóng này đến đội bóng khác được đề cử đều khước từ, không muốn trở thành câu lạc bộ đại diện cho bóng đá đất nước tham dự một trong những giải đấu danh giá, uy tín, chất lượng bậc nhất trong khu vực châu Á. Không đề cập, phân tích đến những nguyên nhân sâu xa (trong đó vấn đề tài chính chỉ là một trong những yếu tố), song rõ ràng việc từ chối tranh tài cùng các đội bóng mạnh nhất trong khu vực để cọ xát, tích lũy, học hỏi kinh nghiệm, các đội bóng đã tự đánh mất đi cơ hội của mình và ít nhiều làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thể thao Việt Nam ở đấu trường khu vực, thể hiện sự thiếu nghiêm túc, nghiệp dư của mình.
Không riêng gì ở môn bóng đá, một giải đấu chuyên nghiệp, hấp dẫn khác chỉ xếp sau môn thể thao vua đã bước qua năm thứ 18 là bóng chuyền cũng để lại nỗi buồn cho người hâm mộ nước nhà khi 2 nhà vô địch của cả 2 nội dung nam nữ cũng đưa ra nhiều lý do để từ chối dự Giải cúp vô địch các Câu lạc bộ châu Á 2022. Hậu quả là khán giả bị thiệt thòi, mất đi cơ hội thưởng thức, từ đó đánh giá trình độ, đẳng cấp của bóng chuyền nước nhà với các anh tài trong khu vực; đội bóng thì cũng không thể “nhận diện” được bản thân mình đang ở mặt bằng như thế nào so với các đội trong khu vực.
Có lẽ câu chuyện nâng cao tính chuyên nghiệp của thể thao Việt Nam sẽ còn phải bàn nhiều hơn nữa, trong đó không thể không lưu tâm đến hình ảnh của thể thao nước nhà dưới góc nhìn của các huấn luyện viên, người hâm mộ trong khu vực.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc