Giải hạng Nhất quốc gia 2022: Các đội bóng chưa thể “tự lực cánh sinh”
Một số đội bóng đang chơi tại Giải hạng Nhất quốc gia phải đối diện với những khó khăn về tài chính khi nhà tài trợ rút lui, đối diện với nguy cơ giải thể…
Mới đây, bóng đá trong nước xôn xao trước câu chuyện Câu lạc bộ (CLB) bóng đá Cần Thơ đứng trước nguy cơ bỏ giải khi nhà tài trợ rút lui, giám đốc điều hành, huấn luyện viên trưởng, chủ tịch CLB đồng loạt từ chức; các cầu thủ bị nợ lương nhiều tháng, không thể toàn tâm toàn ý khi ra sân, đội bóng đứng trước nguy cơ bỏ Giải hạng Nhất quốc gia 2022.
May sao sau đó vấn đề được giải quyết khi đội bóng này được trả về lại cho Trung tâm Thể dục thể thao TP. Cần Thơ quản lý, tạm thời giải quyết ổn thỏa những khó khăn về tài chính để tiếp tục tham gia giải cho đến hết mùa bóng. Tuy nhiên về lâu dài, đội bóng sẽ còn đối diện với khó khăn, bởi lâu nay hoạt động của đội phần lớn dựa vào kinh phí của các nhà tài trợ, giờ khó có thể duy trì hoạt động nếu chỉ nhờ vào một phần ngân sách địa phương…
Đội bóng Phù Đổng ra quân trong trận gặp Đắk Lắk đang gặp khó khăn về tài chính. |
Tiếp sau Cần Thơ, các cầu thủ CLB Phù Đổng lại lên tiếng "kêu cứu", bởi theo như tiết lộ của cầu thủ Phạm Văn Quý thì đã 5 tháng các cầu thủ không nhận được lương, thưởng và bất kỳ một chế độ nào. Đây là đội bóng đầu tiên của Việt Nam phát triển dựa trên mô hình bóng đá cộng đồng của Nhật Bản và từng tham vọng đặt mục tiêu thăng hạng V.League 1. Nhưng giờ đây với những khó khăn tài chính bủa vây khi mà các nhà tài trợ ngừng rót tiền thì với họ việc trụ hạng đã là một thành công ngoài mong đợi. Vấn đề là ở mùa giải tiếp theo, nếu như không tìm kiếm được nhà tài trợ, thì liệu Phù Đổng có còn hiện diện ở giải đấu chuyên nghiệp hay không, hay buộc phải giải thể, như câu chuyện buồn đã từng xảy ra với đội bóng Than Quảng Ninh.
Cần phải nhấn mạnh rằng trên đây là hai đội bóng tiên phong, mạnh dạn, có bước đột phá, đổi mới trong vận hành bộ máy, tự tin sẽ “tự lực cánh sinh”, không phải phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Còn nhớ khi ông Nguyễn Đắc Văn - một doanh nhân khá tên tuổi, từng là người đại diện cho các cầu thủ Văn Hậu, Quang Hải, Tiến Dũng - về đảm nhận chức Chủ tịch CLB bóng đá Cần Thơ đã tự tin tuyên bố rằng đội bóng sẽ “sống khỏe”, nhờ các hoạt động kinh doanh từ bóng đá, thu hút tài trợ, theo phương châm “lấy bóng đá nuôi bóng đá”. Tuy nhiên khi giải đấu đi đến hết 2/3 mùa giải, Cần Thơ không đủ sức thu hút lượng cổ động viên đông đảo để tạo nên thương hiệu nên không còn hấp lực để các nhà tài trợ khai thác thương mại, kinh doanh.
Các khán đài trống vắng, khiến các câu lạc bộ không có nguồn thu từ bán vé. |
Còn với Phù Đổng, đội bóng thủ đô được thành lập năm 2015, lên hạng từ năm 2019, hoạt động theo mô hình câu lạc bộ bóng đá cộng đồng của Nhật Bản, tức là không phụ thuộc vào một ông bầu nào và không có sự hỗ trợ kinh phí của địa phương, thì sau 3 năm chơi ở giải chuyên nghiệp cũng đã nhận ra, kinh doanh bóng đá để lấy kinh phí hoạt động không đơn giản như họ nghĩ. Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng để duy trì đội bóng ngày càng gặp khó khi thu hút nhà tài trợ giảm sút, tỷ lệ thuận theo những kết quả thi đấu không quá nổi của câu lạc bộ (Phù Đổng hiện đang xếp nửa cuối bảng xếp hạng, chưa hoàn toàn chắc suất trụ hạng). Sẽ không bất ngờ nếu như tình trạng này tái diễn, ở mùa giải năm 2023, cái tên Phù Đổng sẽ không còn được xướng lên nữa và viễn cảnh về một đội bóng “sống khỏe”, có thể “tự lực cánh sinh” với những CLB đang chơi tại giải hạng Nhất vốn kém hấp dẫn sẽ là câu chuyện xa vời.
Nhìn vào thất bại, bài học nhãn tiền của hai đội bóng trên, những CLB chinh chiến lâu năm tại Giải hạng Nhất quốc gia đều lui về chọn giải pháp an toàn, hoàn toàn dựa vào nguồn ngân sách địa phương rót về để duy trì đội bóng, đá không lên hạng cũng không vấn đề gì, miễn đừng xuống hạng!
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc