Morocco đối đầu với Pháp: Lựa chọn con tim hay lý trí?
Trong lịch sử đã có hai đội từng đoạt Cúp vô địch thế giới hai kỳ liên tiếp: Italy năm 1934, 1938 và Brazil 1958, 1962. Lần này Pháp liệu có bảo vệ thành công ngôi vương? Muốn vậy, 2 giờ sáng mai 15/12, họ phải vượt qua Morocco để tiến tới trận chung kết.
Khán giả trung lập có lẽ đang có xu hướng ủng hộ và “bênh vực” kẻ yếu, tức Morocco. Nhưng, lý trí mách bảo rất khó để đại diện châu Phi làm nên được cuộc lật đổ “những chú gà trống Gaulois” Pháp.
1. Nếu nói về thử thách gay go nhất của Pháp mùa World Cup này, đấy chính là trận tứ kết gặp Anh, đội bóng sở hữu đội hình được coi là hay nhất trong lịch sử. Đương kim vô địch World Cup 2018 sớm vượt lên dẫn trước bằng bàn thắng của Tchouameni, nhưng Tam Sư đã đưa trận tứ kết về vạch xuất phát bằng bàn gỡ hòa trên chấm 11 m của chân sút hàng đầu Harry Kane. Ngay cả khi Giroud nâng tỷ số lên 2-1 bằng pha đánh đầu dũng mãnh ở phút thứ 78 sau nhiều lần hãm thành, thì đội tuyển Anh vẫn có cơ hội gỡ hòa khi một lần nữa được hưởng quả phạt 11m vào cuối trận. Nhưng rồi, lại chính là đội trưởng Harry Kane với cú "bắn chim" đã “đá văng” cơ hội đi tiếp của Tam Sư. Không phủ nhận, thần may mắn đã đứng về phía đội bóng áo lam, nhưng rõ ràng, nhà đương kim vô địch thật sự lì lợm và luôn biết cách vượt lên, bất chấp đối thủ có thể chơi hay hơn ở một số thời điểm của trận đấu. Cùng với kinh nghiệm, nhà đương kim vô địch World Cup sở hữu nhiều ngôi sao có khả năng quyết định trận đấu, cũng như có sự kết hợp hoàn hảo giữa lối chơi tấn công và phòng ngự thực dụng.
Bên kia sân, Morocco cũng đang viết lên câu chuyện cổ tích cho chính mình và bóng đá châu Phi. Đánh bại Bỉ ở vòng bảng, loại Tây Ban Nha ở vòng 1/8, đội bóng Bắc Phi tiếp tục đánh bại Bồ Đào Nha gồm toàn những ngôi sao hàng đầu thế giới như Bruno Fernandez, Ronaldo, Bernado Silva hay Joao Felix ở vòng tứ kết bằng đúng một bàn thắng. Chiến tích đó đã đưa Morocco đi vào lịch sử khi trở thành đội bóng châu Phi đầu tiên có mặt ở vòng bán kết một kỳ World Cup, đồng thời mang đến cho họ sự tự tin để có thể tạo ra thêm bất ngờ trước nhà đương kim vô địch Pháp. Morocco đã trình diễn nghệ thuật phòng ngự đỉnh cao suốt từ đầu giải khi giữ sạch lưới trong 4 trận và bàn thua duy nhất của đội bóng lại đến từ một pha đá phản lưới nhà của trung vệ Aguerd.
Khán giả trung lập đang rất yêu mến đội tuyển Morocco. Ảnh: FIFA |
2. Bước vào trận bán kết, Pháp không gặp rắc rối với chấn thương hay thẻ phạt nào. Họ đang sở hữu đội hình tốt nhất. Trong khi đó, chiến thắng trước Bồ Đào Nha ở tứ kết đã khiến Morocco phải trả cái giá khá đắt khi tiền đạo Cheddira nhận thẻ đỏ, trung vệ trụ cột Saiss gặp vấn đề về cơ chân và hậu vệ cánh trái Mazraoui cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Đây sẽ là bài toán mà Huấn luyện viên Walid Regragui cần tìm lời giải bởi hàng thủ chính là sức mạnh của Morocco. Để có thể đứng vững trước nhà đương kim vô địch Pháp, Morocco rất cần đến tài năng, sự lì lợm và khả năng tranh chấp tay đôi của tiền vệ Amrabat, chính là người giữ được phong độ ổn định nhất và chơi hay nhất trong trận thắng Bồ Đào Nha. Ngôi sao đang khoác áo Câu lạc bộ Fiorentina này tiếp tục được kỳ vọng sẽ chỉ huy hệ thống phòng ngự của Morocco để ngăn chặn mọi nguy hiểm với khung thành của thủ môn Bono. Trong khi đó, Pháp dĩ nhiên đặt kỳ vọng rất nhiều vào siêu sao Kylian Mbappe. Dù đã thi đấu không đúng với phong độ trong trận đấu với Anh, nhưng Kylian Mbappe sẽ vẫn là niềm hy vọng số một trên hàng công để giúp Pháp có thể phá vỡ hệ thống phòng ngự chặt chẽ của Moroco nhờ tốc độ, kỹ thuật và nền thể lực sung mãn. Mặt khác, Mbappe cũng luôn có khả năng tỏa sáng ở những thời điểm quan trọng của đội tuyển Pháp.
Trong lịch sử đối đầu, hai đội mới chỉ gặp nhau hai lần trong các trận giao hữu trước đây và Pháp đang có một trận thắng và một trận hòa trước đối thủ. Xét về phong độ tại World Cup 2022, Morocco đang duy trì được thành tích bất bại từ đầu giải, trong khi Pháp để thua 1 trận và thắng 4 trận còn lại.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc