Multimedia Đọc Báo in

Tạm biệt một kỳ World Cup đáng nhớ

08:13, 19/12/2022

Tối qua, trái bóng World Cup đã ngừng lăn sau 64 trận kéo dài gần một tháng trời. Biết bao cảm xúc trái ngược nhưng đọng lại vẫn là sự tuyệt vời của chủ nhà và những diễn biến chuyên môn trên sân cỏ. Chúng ta hãy cùng nhìn lại ngày hội bóng đá đáng nhớ này.

Qatar đã chuẩn bị 12 năm cho World Cup 2022 với chi phí lên đến 220 tỷ đô la. Những thành quả họ gặt được không chỉ qua giải đấu này, mà còn có tầm ảnh hưởng tích cực, sâu rộng trong nhiều năm tới.

Theo thống kê của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), 64 trận đấu ở World Cup 2022 đã đạt tỷ lệ lấp đầy các sân lên đến 96%. Đây là lượng cổ động viên dự khán đông thứ hai trong lịch sử các kỳ World Cup từ trước tới nay, chỉ đứng sau World Cup 1994 tại Mỹ. Có khoảng 5 tỷ người theo dõi, trong đó hơn 1,2 triệu người đến Qatar thưởng thức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Hơn 1 triệu du khách đến xem World Cup sẽ tạo ra khoảng 2 tỷ USD vào năm 2025 cho nền kinh tế Qatar. Sự gia tăng khách du lịch vào năm 2022 không chỉ thúc đẩy nền kinh tế Qatar trong ngắn hạn, mà còn tác động lâu dài như thế. Ngoài ra, lần đầu tiên đăng cai World Cup là cơ hội để Qatar chia sẻ với thế giới về nền văn hóa đặc sắc của mình, đồng thời tạo nên một di sản lâu dài sẽ gắn liền thế giới với Qatar trong nhiều năm tới.

Điển hình sự đặc biệt, dù FIFA cũng như nước chủ nhà có nhiều quy định chặt chẽ về việc mua bán, sử dụng đồ uống có cồn - vốn bị nhiều du khách bất bình, chỉ trích với lý do đó là “văn hóa” thường tình trong bóng đá - nhưng việc 8 sân vận động ở 5 thành phố của Qatar luôn đông kín khán giả đã chứng minh được rằng không có rượu, bia thì mọi cuộc đấu vẫn hết sức hấp dẫn. Hầu như không có sự cố đáng tiếc về an ninh xảy ra. Thông qua World Cup, Qatar đã chứng minh hoàn toàn đủ năng lực tổ chức, điều hành các sự kiện lớn mang tầm cỡ quốc tế. Tinh thần cao thượng, đoàn kết, hợp tác đã hiển hiện rất rõ thông qua trái bóng tròn.

Sân vận động Al Bayt có sức chứa 60.000 chỗ ngồi luôn kín khán giả. Ảnh: FIFA

Dĩ nhiên, sự thành công của World Cup đã làm nức lòng người châu Á. Năm 2002, Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng đồng đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Kể từ đó đến nay, bóng đá hai quốc gia này đã tiến lên một tầm cao mới. Nhiều cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản đã được các đội bóng châu Âu ký hợp đồng chơi bóng đỉnh cao.

Phải 20 năm sau, trái bóng World Cup mới lăn trở lại ở châu lục này. Điều đó sẽ mở ra vận hội mới để chúng ta đặt niềm tin một ngày không xa, một nước châu Á sẽ lại được trao cơ hội đăng cai World Cup. Có thể cảm nhận không khí đó đã làm sục sôi cảm hứng chơi bóng của hàng loạt đại diện châu Á để họ làm nên nhiều cơn "địa chấn".

Về công tác tổ chức điều hành giải năm nay, có thể nói công tác trọng tài đã chuyển sang một giai đoạn mang tính bước ngoặt cho bóng đá hiện đại. Tất cả những chỉ số mang tính gián đoạn trận đấu đều được máy tính cộng lại chi tiết để đưa ra các mức bù giờ đủ 90 phút bóng trong cuộc. Vậy nên, chúng ta không lạ gì khi nhiều trận đấu bù giờ dài “bất tận”. Tất cả các đội bóng đều được trải nghiệm mặt tích cực và hạn chế đó. Đã có rất nhiều bàn thắng được ghi ở những phút bù giờ, làm đảo lộn mọi dự đoán. Điển hình như trận tứ kết giữa Argentina- Hà Lan, bù giờ đến 10 phút nhưng Hà Lan ghi bàn san hòa 2-2 ở phút bù giờ…thứ 11. Lần đầu tiên công nghệ VAR được áp dụng triệt để khiến trung bình một trận đấu trọng tài chính phải dừng trận đấu để tham vấn VAR một lần. Điều đó khiến vai trò trọng tài chính và hai trợ lý trở nên mờ nhạt. Những “mắt thần” được gắn trong quả bóng khiến bóng lăn qua vạch vôi khung thành hay chưa, các trường hợp việt vị được xác định đúng 100%. Đã có nhiều ý kiến cho rằng vạt áo cầu thủ chỉ dính vài cm đã bị thổi việt vị đã khiến bóng đá trở nên quá lý tính, tước mất cảm hứng chơi bóng kỹ thuật, gây cảm giác “sợ hãi việt vị” cho tiền đạo. Các cầu thủ như cỗ máy đá bóng trên sân, họ ít và không muốn tranh luận với trọng tài bởi thừa hiểu chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Bỏ qua một số hạn chế không mang tính cơ bản, đánh giá chung, World Cup 2022 vẫn được coi là một trong những kỳ thành công nhất về mặt tổ chức. Thế giới cũng ghi nhận sự phát triển chóng mặt của kỷ nguyên công nghệ số, đã can thiệp và giám sát đến… tận bên trong mỗi quả bóng tròn nhằm tuyệt đối hóa tính chân xác.

     Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.