Multimedia Đọc Báo in

Trận chung kết trong mơ

06:07, 18/12/2022

1. Trước khi World Cup 2022 khởi tranh, nếu hỏi đâu là trận chung kết trong mơ, có lẽ nhiều người mong đó sẽ là Bồ Đào Nha - Argentina. Bởi ai cũng muốn chứng kiến Ronaldo và Messi so kè nhau để phân định vị thế, xem ai là “vàng” đích thực, một lần và mãi mãi.

Kịch bản mong chờ đó cũng hoàn hảo, khi hai đội bóng này nằm ở hai nhánh khác nhau. Họ chỉ có thể gặp nhau ở trong trận chung kết, nếu cả hai vượt qua được tất cả các thử thách. Tuy nhiên, Bồ Đào Nha đã bị loại, còn Ronaldo không để lại nhiều dấu ấn, dù anh đã đem về những kỷ lục.

Một hy vọng nữa là Brazil, nhất là khi Neymar trở lại, sức mạnh đội bóng xứ Samba càng khủng khiếp nhưng Brazil cũng bị loại trước sự sắt đá và bản lĩnh của người Croatia. Neymar chịu chung kết cục với Ronaldo, những giọt nước mắt của anh khiến người hâm mộ đau lòng. Đó là chuyện sau khi vòng tứ kết xảy ra, khi hai đại diện còn lại là những đội bóng hàng đầu của thế giới. Argentina vượt qua Hà Lan sau 120 phút, với loạt “đấu súng” và cơn mưa thẻ phạt. Trong khi tuyển Pháp cũng phải toát mồ hôi và rồi thở phào nhẹ nhõm sau khi Herry Kane sút phạt đền lên... khán đài. Nó dẫn chúng ta đến vòng bán kết, với sự xuất hiện của một đội bóng kỳ lạ hiếm thấy trong lịch sử World Cup: Chưa có đội bóng châu Phi nào vào được đến vòng bốn đội mạnh nhất. Nhưng Morocco cho người ta cảm giác của sự thuyết phục, như một “thiên sứ” phi thường nhất từ trước nhất đến nay của lục địa đen.

Tuy nhiên trong sâu thẳm, ai cũng muốn các cặp bán kết diễn ra một cách tự nhiên nhất, người chiến thắng là kẻ mạnh. Bởi trong trận chung kết của một giải đấu 4 năm mới có một lần thì nó phải dành cho những ngôi sao sáng giá nhất.

2. Mọi việc đã diễn ra đúng như những kịch bản đã được dựng nên, chỉ là cách Argentina và Pháp giành chiến thắng dễ hơn so với tưởng tượng. Messi và các đồng đội chỉ cần 45 phút đầu tiên để “bẻ khóa” bản lĩnh của Croatia. Công bằng mà nói, Modric và đồng đội đã bị vắt kiệt sức sau hai trận knock-out dài đằng đẵng. Họ không còn đủ thể lực để tiếp tục theo kèm tốc độ của Alvarez hay sự lắt léo của Messi. 45 phút đầu tiên được định đoạt, còn 45 phút tiếp theo là cơ hội để Messi chứng minh vì sao anh nhận được sự kỳ vọng lớn như vậy. Đoạn video quay lại cảnh Messi biến hậu vệ “trăm triệu đô” của Croatia - Josko Gvardiol thành “gã hề”, trước khi chuyền bóng cho Alvarez nâng tỷ số lên 3-0, được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội. Đó là bằng chứng rõ nhất cho thấy Argentina tiến vào chung kết không phải do gặp may, hay được thổi phồng về mặt sức mạnh.

Trận bán kết hai, nhiều người trong chúng ta đều muốn Pháp sẽ giải quyết được Morocco, để tạo ra trận chung kết trong mơ. Cuối cùng điều đó đã trở thành hiện thực và tối chủ nhật 18/12, trận chung kết được tất cả chờ đợi sẽ diễn ra. Ở đó, Argentina của Messi sẽ đối đầu với tuyển Pháp của Kylian Mbappe. Một cặp đấu nhiều duyên nợ, một trận đấu nhiều ngôi sao, cuộc đối đầu giữa hai đội tuyển có màn thể hiện thuyết phục nhất tại World Cup năm nay.

Nếu như Argentina đến Qatar với sự kỳ vọng rằng họ sẽ phải đến với trận đấu cuối cùng để Messi có thể đăng quang thì Pháp không nhận được những điều tương tự. Huấn luyện viên Deschamps mất tới 9 nhân tố quan trọng trong đội hình. Karim Benzema đang chơi ổn định, giữ được phong độ thì bất ngờ bị chấn thương. Paul Pogba và Kante, những người được coi là “xương sống” của Pháp 4 năm trước cũng không thể có mặt. “Viên ngọc quý” trên hàng công Nkunku chấn thương ngay thềm khai mạc World Cup. Chưa hết, hậu vệ Lucas Hernandez phải dừng cuộc chơi sau trận gặp Australia ở vòng bảng. Người ta cũng bắt đầu đặt ra “lời nguyền” cho nhà đương kim vô địch, rằng số phận của họ có thể giống với  những gì Đức hay Tây Ban Nha đã trải qua.

Trong màu áo PSG, Messi và Mbappe là đồng đội nhưng ở trận chung kết World Cup 2022, họ là đối thủ của nhau. Ảnh: Reuters

3. Nhưng sau tất cả, Pháp cho thấy chẳng có “lời nguyền” nào, bất cứ ai đánh giá thấp họ đều phải trả cái giá rất đắt. Hành trình đến với trận chung kết của Pháp vô cùng thuyết phục với bộ đôi Giroud - Mbappe liên tục thay nhau tỏa sáng. Ở đó, ngay cả sự kết hợp mang tính chắp vá cá nhân cũng trở thành công thức với Huấn luyện viên Deschamps. Pháp đang đứng trước cánh cửa của lịch sử, khi là đội đầu tiên trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại bảo vệ thành công ngôi vô địch World Cup. Lần gần nhất một đội bóng từng làm được điều này đã cách đây 58 năm là Brazil của Pele ở các kỳ World Cup 1958 và 1962.

Nhưng để làm được điều đó, Pháp phải vượt qua Argentina, đội bóng đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả. Mọi sân khấu ở Qatar đều trở thành sân nhà của họ, nơi Messi đang có cơ hội đăng quang sau những giọt nước mắt đắng chát ở World Cup 2014. Đây là lần cuối cùng anh xuất hiện ở World Cup. Không nhiều người muốn Messi lại thất bại ở trận đấu cuối cùng. Đó còn là hy vọng của cả đất nước Argentina, bóng đá như là một tôn giáo. Đó còn là cuộc gặp thú vị giữa Messi và Mbappe, những người đồng đội ở PSG. Ở sân vận động Công viên Các hoàng tử, họ cùng chung chí lớn: Hướng đến chức vô địch Champions League. Nhưng đó là chuyện sau khi World Cup kết thúc, còn giờ đây, họ là địch thủ cần phải cản bước lẫn nhau. Messi và Mbappe là những nhân vật tiêu biểu nhất cho hai thế hệ của họ. Một bên đã nắm giữ đỉnh cao quá lâu, một bên đang khát khao chinh phục thành tựu mà đối thủ đang ngự trị.

Pháp và Argentina, cuộc đối đầu của những cảm xúc. Cách đây 4 năm, Pháp đã loại Arrgentina khỏi cuộc chơi bằng sự "điên rồ" của những phút cuối. Vẫn còn đó nhiều nhân chứng trong đội hình hai bên. Bất cứ tỷ số và diễn biến trên sân thế nào, chắc chắn hai đội bóng này sẽ không phụ lòng những cổ động viên để cống hiến một cuộc đối đầu kịch tính nhất, xứng đáng nhất cho một trận chung kết World Cup.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.