Multimedia Đọc Báo in

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột: Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

06:37, 25/02/2022

Mới đây, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã làm việc với UBND tỉnh và các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột (gọi tắt là Dự án).

Vẫn còn nhiều "điểm nghẽn”

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban Quản lý) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài toàn tuyến là 39,6 km, điểm đầu đoạn qua xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar), điểm cuối đoạn qua xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Tổng mức đầu tư Dự án 1.509 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương, thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2023. Trong đó, chi phí thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) là 394 tỷ đồng, tổng diện tích GPMB gần 117 ha, với 1.388 hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện nay, các đơn vị liên quan đã kiểm đếm, lập phương án GPMB được gần 70 ha (đạt 59,62%), đã tiến hành bàn giao hơn 2/39,6 km (đạt 5,2%). Theo đánh giá, một số hạng mục công việc như xác nhận nguồn gốc đất, phê duyệt hệ số giá đất chậm so với kế hoạch giao khoảng một tháng. Nguyên nhân chính là do biến động diện tích thửa đất so với trích lục, chậm xác định nguồn gốc đất và phê duyệt giá đất.

Cán bộ Phòng Đền bù - GPMB (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) công khai dự thảo phương án đền bù, hỗ trợ cho người dân xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc.

Đơn cử như đoạn qua xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc), hiện đã đo đạc, kiểm đếm được 98 hộ, cá nhân với 10,57 ha (đạt 89%) và 53 hộ, với 11 ha (đất của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi), đạt 100%. Hiện nay vướng mắc 12 hộ chưa kiểm đếm được do đã tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều hộ nhưng trích lục thửa đất chưa tách; còn đối với 24 hộ dân thuộc Công ty TNHH Hai thành viên Cà phê Cư Pul do trích lục bản đồ địa chính sai lệch hoàn toàn so với thực địa nên tạm dừng để điều chỉnh.

 

Dự kiến chậm nhất đến ngày 30/3/2022, các đoạn ưu tiên GPMB để thi công Dự án sẽ được bàn giao để thi công công trình gồm: Km0+500 – Km3+940 đoạn qua huyện Cư M’gar; Km8+793 – Km11+650 đoạn qua huyện Krông Pắc và Km20+500 – Km22+00 đoạn qua huyện Cư Kuin.

Tương tự, Dự án qua huyện Cư Kuin có tổng diện tích bị ảnh hưởng là 45,1 ha. Trong đó đã đo đạc, kiểm đếm đất đai, cây trồng và tài sản vật kiến trúc được 19,2 ha đoạn qua xã Ea Tiêu (đạt 100%); đoạn qua xã Ea Ktur mới đo đạc, kiểm đếm được 7,5/18,1 ha (đạt 41,1%). Vướng mắc hiện nay là ranh giới, diện tích bị ảnh hưởng sai khác so với ranh giới, diện tích trên bản đồ địa chính, hiện nay địa phương cũng chưa có quyết định phê duyệt hệ số giá đất.

Tập trung các điểm ưu tiên

Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy nêu quyết tâm địa phương sẽ tập trung nhân lực hoàn thành việc kiểm đếm, đo đạc cây trồng, tài sản, vật kiến trúc trước ngày 15/3/2022. Về việc xác nhận nguồn gốc đất trước ngày 28/2/2022, huyện kiến nghị tỉnh cho lùi thời gian lại trước ngày 15/3/2022 để kịp thực hiện. Về hệ số giá đất, từ nay đến cuối tháng 2/2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) trình UBND huyện thẩm định trong tháng 2 này. Trên cơ sở đó, huyện sẽ có văn bản gửi Sở TN-MT để có sự thống nhất hệ số giá đất chung giữa các huyện, tránh sự chênh lệch.

Đối với nội dung mà Ban Quản lý đề nghị Sở TN-MT theo dõi, đôn đốc 6 công ty cà phê phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, chủ đầu tư và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin để xác nhận thời điểm sử dụng đất, năm tạo lập tài sản trên đất nhận khoán, liên kết của các hộ dân và thời gian ký kết hợp đồng giao nhận khoán để có cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Võ Tấn Huy, để có cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ thì không nên căn cứ vào nhiệm vụ này bởi lẽ việc đền bù trên đất là xác định trên thực tế, còn quyền lợi giữa người dân và doanh nghiệp do doanh nghiệp và người dân thỏa thuận. Khi bồi thường thì nên bồi thường chung, còn việc phân chia không được do liên quan đến tranh chấp hợp đồng thì cần đến cơ quan chuyên môn khác. Do đó, không thể lấy việc này để làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ. Để đẩy nhanh tiến độ thì phương án bồi thường phải được phê duyệt, còn việc phân chia lợi ích nếu không được thì chuyển tiền vào ngân hàng và thực hiện bàn giao mặt bằng.

Thi công công trình đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột đoạn qua xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc).

Trong khuôn khổ buổi làm việc giữa UBND tỉnh và Bộ GTVT vào sáng 20/2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh khẳng định: Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột là công trình trọng điểm của tỉnh, do đó đồng chí Phó Chủ tịch đề nghị UBND cấp huyện có Dự án đi qua quan tâm, chỉ đạo UBND các xã, Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB. Trong đó, chú ý công tác tuyên truyền, vận động người dân, công khai các phương án rõ ràng để nhân dân đồng lòng. Đối với đất ở các nông lâm trường, trước khi phê duyệt phương án phải mời các đơn vị lên làm việc, xác định bao nhiêu hộ dân, thành phần ra sao để có sự thống nhất. Sau đó tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, không để xảy ra chuyện chỉ vì 1 hay 2 hộ, cá nhân mà làm ảnh hưởng đến tiến độ toàn Dự án.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị các địa phương có Dự án đi qua, nhất là các đơn vị chuyên môn như Trung tâm Phát triển quỹ đất, Hội đồng đền bù GPMB tập trung quyết liệt cho công tác GPMB và khối lượng thi công trên công trường. Đặc biệt, cần chú trọng ở các vị trí, điểm ưu tiên bàn giao mặt bằng để có khối lượng thi công..

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.