Multimedia Đọc Báo in

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk tham gia giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Ấn Độ

20:07, 18/11/2022

Ngày 18/11, tại Ấn Độ đã khai mạc Hội chợ Thương mại Quốc tế Ấn Độ - IITF. Gian hàng của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk trưng bày tại hội chợ đã vinh dự được Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cắt băng khai trương.

Tham dự có ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk (Trưởng đoàn) và ông Dương Thanh Tương, nguyên Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch danh dự Hiệp hội (Cố vấn đoàn), cùng hơn 10 đại diện doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thành viên Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk và một số doanh nghiệp đối tác của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk. 

Đoàn Đắk Lắk cắt băng khai trương gian hàng trưng bày tại hội chợ.
Đoàn Đắk Lắk cắt băng khai trương gian hàng trưng bày tại hội chợ.

Hội chợ Thương mại Quốc tế Ấn Độ – IITF là triển lãm đa ngành nghề lớn nhất tại khu vực Nam Á do Cơ quan Xúc tiến Thương mại (ITPO) thuộc Chính phủ Ấn Độ tổ chức. Đây là sự kiện quan trọng thúc đẩy thương mại giữa Ấn Độ và các nước đối tác trong khu vực và thế giới.

Với chủ đề của IITF 2022 là “Tiếng nói cho địa phương, từ địa phương đến toàn cầu” (Vocal For Local, Local to Global), sự kiện kéo dài 14 ngày với khoảng 2.500 doanh nghiệp Ấn Độ và doanh nghiệp thuộc 12 quốc gia, gồm: Việt Nam, Afghanistan, Bangladesh, Bahrain, Belarus, Iran, Nepal, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Anh…

Một góc gian hàng trưng bày sản phẩm 
của Đoàn Đắk Lắk.
  Du khách tham quan thích thú với sản phẩm của Việt Nam.

Các hoạt động tiêu biểu của đoàn Đắk Lắk tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Ấn Độ – IITF là: giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk (cà phê, nông sản, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo…) đến gần hơn với bạn bè quốc tế; tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại, xuất nhập khẩu, thâm nhập và mở rộng thị trường sang Ấn Độ; nghiên cứu, giao lưu học hỏi kinh nghiệm và cập nhật các xu hướng sản xuất, phát triển từ các nước bạn. 

Tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Ấn Độ – IITF, khách tham quan, các nhà mua hàng và đối tác rất thích các sản phẩm đặc trưng mà đoàn Đắk Lắk mang tới, như: cà phê, tiêu, mắc ca, điều, sachi, bia, rượu, gạo cao cấp. Qua đó, tạo nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận những nhà mua hàng lớn, nhỏ trực tiếp hoặc gián tiếp. 

Các sản phẩm đặc trưng mà Đoàn Đắk Lắk mang tới IITF được giới thiệu tại hội chợ.
Các sản phẩm đặc trưng mà đoàn Đắk Lắk mang đến giới thiệu tại hội chợ.

Tham tán thương mại Bùi Trung Thướng khẳng định, Đại sứ quán luôn hỗ trợ và đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nghiên cứu và mở rộng thị trường tại Ấn Độ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và mở cửa thị trường thì đây là một trong những thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng hướng đến. 

Đoàn Việt Nam được chào đón vào Hội chợ tại Ấn Độ.
Đoàn Việt Nam được chào đón vào Hội chợ tại Ấn Độ.

Tại hội chợ, đoàn Đắk Lắk còn có dịp gặp mặt Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ – A.K.Saxena. Phát biểu khi làm việc với đoàn, ông A. K.Saxena cho biết, rất nhiều sản phẩm của Đoàn Đắk Lắk tìm thấy thị trường lớn tại Ấn Độ và ông cũng ngỏ lời mời đoàn công tác tham gia sự kiện của kết nối thương mại của IICCI diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 12.

Buổi chiều cùng ngày, Đoàn vinh dự có buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cùng Đại sứ Nguyễn Thanh Hải.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh Đắk Lắk - ông Huỳnh Văn Dũng và Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Văn Dũng (bên trái) và Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng.

Ấn Độ là một thị trường được kỳ vọng sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai. Vì vậy, Hội chợ Thương mại Quốc tế Ấn Độ 2022 – IITF là nền tảng tuyệt vời cho thương mại và công nghiệp, tìm nguồn cung ứng, tìm kiếm người mua, tương tác kinh doanh cũng như cơ hội chuyển giao công nghệ, tiếp thị thử nghiệm và tiếp cận thị trường đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

PV


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.