Multimedia Đọc Báo in

Ngành công thương triển khai nhiệm vụ năm 2022

15:12, 09/01/2022

Sáng 9-1, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các hiệp hội ngành hàng.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ngành, liên quan.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2021, dù đối diện với nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng toàn ngành đã nỗ lực, chủ động vượt qua thách thức và đạt được nhiều kết quả tích cực. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8%.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa có nhiều bứt phá, đạt mức tăng trưởng cao, trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 332,2 tỷ USD, tăng 19%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội và Chính phủ giao. Trong số 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì có đến 8 mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020 và cơ bản được kiểm soát tốt. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa gần 3.951 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thương mại điện tử đã trở thành phương thức phân phối chủ yếu, với doanh thu đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ, đưa Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Công tác quản lý, bảo đảm trật tự thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thuơng mại và hàng giả trên thị trường nội địa được củng cố. Năm 2021, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 41.375 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước gần 430 tỷ đồng...

Bước sang năm 2022, trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến khó lường, ngành công thương quyết tâm đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7 - 8%, kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%, cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7 - 8%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%...

Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành công thương xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp: tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển ngành trong trạng thái "bình thường mới"; kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch và khôi phục sản xuất, kinh doanh; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển ngành công thuơng trong thời kỳ mới; tiếp tục tái cơ cấu ngành công thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành; đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, chú trọng phát triển thương mại điện tử... 

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận những nỗ lực và biểu dương thành tích ngành công thương đã đạt được trong năm qua. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, ngành công thương tiếp tục triển khai các biện pháp mở rộng thị trường, thúc đẩy sự phát triển và phát huy hiệu quả vai trò thị trường trong nước; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển thương mại điện tử.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành công thương cần phải nghiên cứu sâu, có biện pháp khắc phục những hạn chế trong việc triển khai một số dự án trọng điểm của các tập đoàn, quản lý thương mại biên giới, điều phối điện; đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo; bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.   

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.