Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống dịch sốt xuất huyết:  Khó chồng thêm khó

08:12, 13/08/2022

Hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất khó lường, số ca mắc mới và tử vong liên tục gia tăng. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh này còn gặp nhiều khó khăn, không chỉ thiếu vật tư, hóa chất mà mà còn thiếu cả sự chủ động, tự giác của người dân.

Liên tiếp các trường hợp tử vong do SXH

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), từ đầu năm đến ngày 12/8, toàn tỉnh ghi nhận 3.254 trường hợp mắc SXH, tăng 6,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý chỉ chưa đầy một tháng qua, toàn tỉnh đã xảy ra 5 trường hợp tử vong do SXH. Trong đó có 2 trẻ em và 3 người lớn, hầu hết các trường hợp này đều có diễn tiến bệnh rất nhanh, có người từ khi bệnh khởi phát đến lúc tử vong chỉ khoảng một tuần.

Cụ thể như trường hợp của bệnh nhi R.N.M.Q., 7 tuổi, ở buôn C, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp. Bệnh nhi khởi phát bệnh ngày 20/7 với biểu hiện sốt cao liên tục. Ngày 23/7, gia đình đã đưa cháu vào nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Ea Súp. Đến tối 24/7, bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng cuối ngày thứ 4. Mặc dù đã được các bác sĩ xử trí thở ô xy, dịch truyền và các thuốc hỗ trợ khác, nhưng do bệnh tình chuyển biến nặng, đêm 25/7 bệnh nhân đã tử vong. Hay như trường hợp của bệnh nhân N.V.N., 54 tuổi, ở tổ dân phố 4, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột, khởi phát bệnh vào ngày 4/8 với các biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, nhức mỏi toàn thân. Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau đó bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc SXH và tử vong vào ngày 10/8.

Một trường hợp mắc SXH điều trị tại khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Một trường hợp mắc SXH điều trị tại khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách CDC, hiện nay dịch SXH trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Số mắc và tử vong do SXH liên tục gia tăng. Đáng nói, hầu hết các trường hợp tử phòng đều xuất phát từ nguyên nhân người dân chủ quan, khi xuất hiện các triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, vai gáy, không đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, điều trị mà tự ra quầy thuốc mua thuốc về uống, khi không đỡ mới tìm đến các cơ sở điều trị, lúc này tình trạng bệnh đã nặng, khó cứu chữa.

Thiếu vật tư, hóa chất nghiêm trọng

Trong khi dịch SXH trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca bệnh và ổ dịch mới ngày một tăng, nhưng ngành y tế lại đối mặt với tình trạng thiếu hóa chất diệt muỗi, khiến cho công tác phòng chống dịch gặp khó.

Chẳng hạn như tại huyện Ea Súp - một trong những điểm nóng về SXH của tỉnh, đến thời điểm hiện tại, mặc dù số ca bệnh đang tăng theo từng ngày nhưng nguồn hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch đang ngày một cạn kiệt. Bác sĩ Nguyễn Viết Hữu, Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) huyện Ea Súp cho biết, hiện nguồn hóa chất dự trữ chỉ đáp ứng để xử lý các ổ dịch nhỏ lẻ, chứ không thể đáp ứng nhu cầu phun hóa chất diệt muỗi chủ động trên diện rộng. Thời gian tới, nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng thì ngay cả hóa chất phục vụ xử lý ổ dịch cũng khó có thể đáp ứng.

Cán bộ y tế huyện Lắk kiểm tra véc tơ truyền bệnh SXH tại một khu dân cư trên địa bàn.
Cán bộ y tế huyện Lắk kiểm tra véc tơ truyền bệnh SXH tại một khu dân cư trên địa bàn.

Tương tự, tại TP. Buôn Ma Thuột, bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc TTYT thành phố chia sẻ, những ngày qua đơn vị luôn ở trong tình trạng thiếu hóa chất diệt muỗi. Ngày 11/8, sau khi trên địa bàn xảy ra trường hợp thứ 2 tử vong do SXH, đơn vị được CDC cấp 5 lít hóa chất diệt muỗi để xử lý ổ dịch. Đến hiện tại, số hóa chất còn hơn 3 lít, trong khi nhu cầu thực tế lại quá lớn.

Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách CDC cho biết, mặc dù đã được giao kinh phí và UBND tỉnh đã có công văn hướng dẫn định mức chi, nhưng công tác mua sắm hóa chất còn rất nhiều khó khăn do phải thực hiện công tác đấu thầu. Theo quy định, để làm đầy đủ các thủ tục đấu thầu phải khoảng 2 tháng nữa CDC mới mua hóa chất. Nhưng hiện tại, đến ngày 11/8 hóa chất tại kho không còn một lít nào để phục vụ công tác phòng chống dịch SXH. 5 lít cuối cùng đã cấp cho Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột để xử lý ổ dịch. Ngay cả khi trường hợp tử vong thứ 5 tại huyện Ea H’leo xảy ra, CDC cũng không có hóa chất để cấp cho TTYT huyện thực hiện xử lý ổ dịch. Trong khi đó CDC cũng không thể mượn hóa chất được vì mượn hóa chất được xem là thông thầu, trái với quy định. Để khắc phục tình trạng thiếu hóa chất, CDC đã làm tờ trình lên Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để xin cấp hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn, nhưng đến thời điểm này Viện cũng chưa đấu thầu xong và chưa mua được hóa chất nên hóa chất cũng bị thiếu.

Thiếu sự chủ động, tự giác của người dân

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra, chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Dự phòng chủ động, phòng chống véc tơ vẫn là chiến lược quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh này. Với phương châm “Không có muỗi vằn, không có lăng quăng (bọ gậy), không có SXH”, thời gian qua, ngành y tế đã nỗ lực vào cuộc nhưng lực lượng chính góp phần hoàn thành mục tiêu trong phòng chống SXH là người dân lại chưa phát huy hết vai trò.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước tại một hộ dân trên địa bàn huyện Lắk.
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước tại một hộ dân trên địa bàn huyện Lắk.

Trên thực tế, sự chủ quan và thiếu tinh thần tự giác cũng như việc không duy trì thường xuyên các hoạt động phòng chống bệnh SXH tại gia đình, cộng đồng của không ít người dân hiện đang được xem là một trong những trở lực lớn trong công tác phòng chống bệnh SXH trên địa bàn tỉnh. Có không ít người dân xem việc phòng chống SXH là nhiệm vụ ngành y tế phải tự đảm đương nên thiếu sự chủ động tham gia vào các hoạt động phòng chống do ngành y tế phát động. Chỉ đến khi dịch bệnh xảy ra, bản thân và người thân trong gia đình mắc bệnh mới bắt tay thực hiện các biện pháp phòng bệnh một cách thụ động. 

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần nghi ngờ bị bệnh SXH khi sốt cao trên 40oC kèm theo 2 trong số các triệu chứng: nhức đầu dữ dội, đau hốc mắt, đau cơ và khớp, buồn nôn, nôn mửa, phát ban. Để xác định rõ có bị bệnh hay không, người bệnh nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm và được hướng dẫn điều trị cụ thể. Bệnh nhân bị SXH nặng thường vào giai đoạn khoảng 3-7 ngày sau khi phát bệnh. Trong 24-48 giờ của giai đoạn quan trọng này, một số bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng xấu đi đột ngột.

Cũng theo thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, thời gian qua, CDC đã tham mưu cho Sở Y tế, UBND tỉnh ban hành các công văn, kế hoạch, chỉ đạo về công tác phòng chống dịch SXH, song nhiều địa phương vẫn chủ quan, chưa thực sự vào cuộc. Để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch SXH SXH trong điều kiện thiếu vật tư, hóa chất, biện pháp quan trọng nhất hiện nay là phải đẩy mạnh truyền thông làm cho người dân hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh để người dân tự nâng cao ý thức phòng chống. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại từng hộ gia đình, từng thôn, buôn, khối phố để loại bỏ muỗi - nguồn lây bệnh chính.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.