Nguyên vẹn cảm xúc Ngày hội non sông
Chiến thắng 30/4/1975, một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 47 năm non sông nối liền một dải, Bắc – Nam sum họp một nhà, nhưng ký ức về thời khắc đặc biệt ấy vẫn luôn sống mãi trong tâm trí mỗi người, là ngọn cờ soi sáng cho thế hệ trẻ hôm nay trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sôi sục tinh thần cách mạng
Gần nửa thế kỷ đi qua, nhưng giây phút hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử vẫn in đậm trong trí nhớ cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sương, nguyên Trợ lý cán bộ - chính sách của Trung đoàn 25 (Bộ Tư lệnh B3 Tây Nguyên).
Tháng 4/1975, Trung đoàn 25 được giao nhiệm vụ phối hợp với Sư đoàn 3 (Quân khu 5) tiến vào giải phóng Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận). Ông kể lại rằng, đơn vị khi ấy đảm nhiệm một hướng quan trọng, bao vây đánh chiếm sân bay Thành Sơn, bảo vệ tốt phương tiện kỹ thuật để phục vụ cho không quân ta đánh vào Sài Gòn - đây là một nhiệm vụ nặng nề được thực hiện trong thời gian gấp gáp, địa hình mới lạ.
Tuy nhiên, chính tin chiến thắng khắp nơi đưa đến đã tiếp thêm nguồn lực, động viên khí thế quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị. Được sự giúp sức của đồng bào, bộ đội Trung đoàn 25 và Sư đoàn 3 đã vượt qua mọi khó khăn, tấn công từ nhiều phía, đánh chiếm mục tiêu và làm chủ toàn bộ sân bay.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương giới thiệu cho cán bộ, chiến sĩ Đồn về Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. |
Dù không trực tiếp tiến vào Sài Gòn, nhưng âm vang của chiến thắng đã làm cho quân và dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận bấy giờ vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử. Ông kể: “Ngày ấy, hệ thống truyền thanh còn chưa phát triển mạnh, trưa ngày 30/4, khi biết tin miền Nam giải phóng, chúng tôi đã vui sướng truyền tin cho nhau, bộ đội truyền tin cho nhân dân, cứ thế, tin vui đại thắng lan rộng trong niềm hạnh phúc khôn cùng của đồng bào. Nhân dân phấn khởi, hân hoan xuống đường, ai cũng vỡ òa vì sự kiện đặc biệt trọng đại này, họ quên đi hết mọi nhọc nhằn, gian khổ"…
Trở về đời thường, những người lính tuổi đôi mươi năm nào giờ đã già yếu, tuy nhiên tinh thần đồng đội trong họ vẫn luôn rực lửa. Ban liên lạc Trung đoàn 25 được thành lập để tập hợp, kết đoàn, hỗ trợ nhau trong cuộc sống hằng ngày, tìm kiếm mộ liệt sĩ. Tri ân đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường, ông Sương đã dành hàng chục năm trời kết nối các sở, ngành chức năng để tìm mộ đồng đội, xác nhận ADN thành công cho 34 liệt sĩ. Đặc biệt, dịp Lễ 30/4 hằng năm, Ban liên lạc Trung đoàn vẫn thường tổ chức Đoàn đến dâng hương cho đồng đội tại các nghĩa trang liệt sĩ; về thăm lại chiến trường xưa, thăm lại những gia đình từng cưu mang, đùm bọc bộ đội trong đạn bom, khói lửa.
Khó quên thời khắc lịch sử
Với ông Nguyễn Đức Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo - Phong trào (Hội Cựu chiến binh tỉnh), ngày 30/4/1975 là thời khắc khó quên trong suốt quãng đời. Hào khí cách mạng ở Đắk Lắk ngày càng dâng cao, nhất là từ khi thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và lần lượt các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung được giải phóng; đại quân ta đang thần tốc tiến về Sài Gòn.
Treo cờ Tổ quốc nhân các ngày lễ lớn tại xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn. |
Ở tuổi 15 vào năm ấy, ông Hải đang là công nhân học việc tại Nhà máy điện Buôn Ma Thuột. Khi Đài Phát thanh của tỉnh phát tin Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng, nhiều người rất hân hoan, vui mừng với những biểu hiện cảm xúc khác nhau. Không khí ấy càng trở nên “nóng” hơn khi sáng ngày 1/5/1975, chính quyền cách mạng của tỉnh tổ chức Lễ mít tinh mừng chiến thắng, Bắc Nam sum họp một nhà và kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động.
“Những đóng góp, hy sinh to lớn của thế hệ cha anh như là lời nhắc nhở thế hệ chúng tôi hôm nay quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ngày càng tươi đẹp”. Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk |
Ông Hải tâm tình: “Là công nhân điện, tôi rất tự hào khi được tham gia hỗ trợ đồng nghiệp chuẩn bị hệ thống, nguồn điện phục vụ Lễ mít tinh tại Sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột. Ngày ấy, sân vận động còn rất đơn sơ, lễ đài bằng gỗ nhưng khí thế, niềm vui của quân, dân, chính, đảng địa phương rất sôi động. Bà con dậy rất sớm, từ 1 - 2 giờ sáng. Dòng người cùng cờ, hoa, biểu ngữ, vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu, háo hức tiến về sân vận động càng lúc càng đông, góp phần vào không khí buổi lễ thêm phần long trọng, tạo ấn tượng mới lạ, xúc động, tự hào trong nhân dân vùng mới giải phóng với chính quyền cách mạng.
Tự hào tiếp bước cha anh
Thuộc thế hệ được hưởng độc lập, hòa bình hôm nay, Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương (Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk) biết về kháng chiến và niềm vui đại thắng qua sách vở, các nhân chứng lịch sử. Bao máu xương và sự mất mát, hy sinh, trong đó có người thân ruột thịt của gia đình càng giúp anh thêm thấm thía hơn giá trị của hòa bình, hạnh phúc.
Anh tâm tình: “Ba mẹ tôi vốn là giáo viên nên tôi có nhiều cơ hội tiếp cận các tư liệu lịch sử. Những lời kể, câu chuyện thời chiến của các bác thương binh đọng trong tâm trí tuổi thơ chúng tôi. Điều ấy đã hun đúc thêm tình yêu về người lính trong tôi và quyết tâm trở thành quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”.
Tuổi trẻ Đắk Lắk chào cờ tại cột mốc biên cương. Ảnh: Vân Anh |
15 năm gắn bó với màu áo xanh, Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương được biết đến là một cán bộ chính trị dày dạn kinh nghiệm, luôn trách nhiệm, tận tâm trong công việc và sâu sát, gần gũi với bộ đội. Chủ động tham mưu đúng, trúng, kịp thời các chương trình, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, anh đã góp phần quan trọng trong xây dựng bản lĩnh chính trị, tư tưởng cho bộ đội, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Tiếp nối truyền thống cha anh, vào các dịp lễ, Tết, đặc biệt là kỷ niệm ngày vui đại thắng của toàn dân tộc, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk thường xuyên tổ chức cho bộ đội viếng hương tại Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ; thăm các địa chỉ đỏ, đặc biệt là Di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua địa phận xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Đây là nơi ghi dấu những chiến công vẻ vang, sự hy sinh gian khổ của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 4 và Trung đoàn 574, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 470, Bộ đội Trường Sơn. Họ đã kiên cường bám trụ xây dựng bến ngầm, bến phà, bảo vệ trọng điểm, bảo vệ đường, đảm bảo giao thông thông suốt trên bến phà Sêrêpốk trong những năm chống Mỹ, cứu nước.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc