Multimedia Đọc Báo in

Quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế

16:42, 11/08/2022

Sáng 11/8, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt các văn bản mới của Trung ương về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc cùng các ban, ngành liên quan trong tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương quán triệt Thông báo số 16-TB/TW, ngày 7/7/2022 của Bộ Chính trị kết luận về việc thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Theo đó, Bộ Chính trị đánh giá cao sự chủ động, tích cực của một số cấp ủy, tổ chức đảng trong triển khai thực hiện thí điểm mô hình tổ chức mới theo Kết luận số 34-KL/TW, ngày 7/8/2018 của Bộ Chính trị. Quá trình thực hiện đã đạt được một số kết quả bước đầu, vừa nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vừa phát huy sự chủ động, sáng tạo của một số cấp ủy địa phương trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo cơ sở để xem xét triển khai những mô hình phù hợp, hiệu quả trong thực tiễn.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo một số nội dung, như: Tiếp tục tổ chức đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh theo Kết luận 34; Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sơ kết các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy, kiêm nhiệm chức danh của Đảng và hệ thống chính trị. Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình địa phương và yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chủ động quyết định thực hiện một số mô hình sau: Hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; Trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại tỉnh Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Tạm dừng thực hiện thí điểm các mô hình sau: Hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy đồng thời là chánh thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện; Trưởng ban tổ chức cấp ủy cấp tỉnh đồng thời là giám đốc sở nội vụ; Trưởng ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện đồng thời là trưởng phòng nội vụ cấp huyện; Chánh văn phòng cấp ủy cấp huyện đồng thời là chánh văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Các địa phương đã triển khai thực hiện thí điểm các mô hình trên thì ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo sắp xếp lại theo mô hình chung của hệ thống chính trị. 

Các đại biểu cũng đã được quán triệt Kết luận số 40-KL/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026; Quy định số 70-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị; Quyết định số 71-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026; Kết luận số 39-KL/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chủ trương mới của Đảng, bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn hệ thống chính trị…

Duy Tiến  


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.