Multimedia Đọc Báo in

Cần tháo gỡ "rào cản" trong giải ngân vốn đầu tư công

08:14, 22/05/2025

Những tháng đầu năm 2025, tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản đã có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, số vốn giải ngân từ các công trình, dự án vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra do còn nhiều “rào cản”.

Vướng giải phóng mặt bằng

Mặc dù thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, công tác này trong những tháng đầu năm 2025 vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Theo báo cáo của Sở Tài chính, đến ngày 30/4/2025, các đơn vị đã giải ngân hơn 1.384 tỷ đồng (bằng 20,4% kế hoạch). Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân hơn 1.015 tỷ đồng (19,6% kế hoạch); nguồn vốn ngân sách địa phương đã giải ngân gần 369 tỷ đồng (23% kế hoạch).

Theo Giám đốc Sở Tài chính Võ Ngọc Tuyên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra là do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số dự án khởi công mới trong kế hoạch năm 2024, sang năm 2025 đang trong quá trình hoàn ứng khối lượng đã thanh toán của kế hoạch năm 2024; một số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng được bố trí trong kế hoạch năm 2025, hiện các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán dự án, công tác bảo hành nên không thực hiện giải ngân. Bên cạnh đó, trong kế hoạch năm 2025 có khởi công mới một số dự án đang trong quá trình thực hiện đấu thầu xây lắp nên chưa có khối lượng để thực hiện giải ngân; việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm.

Thi công Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (đoạn qua huyện Krông Pắc).

Đáng nói, công tác phối hợp của chủ đầu tư với chính quyền địa phương để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa thực sự tích cực; công tác bồi thường GPMB, hỗ trợ, tái định cư triển khai còn chậm do còn vướng mắc một số nội dung như: xác định tính pháp lý của hồ sơ đất đai, thiếu nền tái định cư, người dân còn khiếu kiện về giá đền bù và chính sách tái định cư...

Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, hiện nay, công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn đang gặp nhiều vướng mắc trong GPMB. Chẳng hạn, tại các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Phan Huy Chú, đất của người dân nằm trong chỉ giới giao thông mà không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được đền bù 0 đồng nên không ai chấp nhận. Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có tuyên truyền, vận động nhưng người dân vẫn không đồng ý và không thể thực hiện cưỡng chế vì vấn đề này cần UBND tỉnh cho ý kiến. Chưa kể, đối với phá dỡ kết cấu nhà, quy định hiện nay chưa nêu rõ nếu phá dỡ chỉ nửa nhà thì phải đền bù thế nào.

Cũng đang gặp khó khăn trong công tác GPMB, ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar cho biết, hiện nay Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột còn 13 hộ dân ở đoạn đầu tuyến (đoạn qua địa bàn xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar), chưa đồng ý phương án bồi thường GPMB mặc dù chính quyền đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động. Vì chưa có mặt bằng nên các bước tiếp theo của dự án ở đoạn này không thể triển khai được.

Thiếu vật liệu cát xây dựng

Không chỉ vướng mắc về công tác GPMB, hiện nay tình hình khan hiếm vật liệu cát xây dựng trên địa bàn tỉnh đang khiến nhiều công trình bị ảnh hưởng tiến độ. Theo phản ánh từ nhiều địa phương như TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M'gar, huyện Krông Bông, nguồn cung cát xây dựng trên địa bàn không đủ để phục vụ các công trình. Nhiều nhà thầu thi công các dự án lớn thậm chí không mua được cát.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Văn San, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 21 mỏ khai thác cát được UBND tỉnh cấp phép, với tổng công suất khai thác hằng năm là 586.000 m3. Các mỏ khai thác cát được cấp phép tập trung chủ yếu tại một số huyện như: Krông Bông, Lắk, Krông Năng... Riêng trên địa bàn huyện Cư M'gar và TP. Buôn Ma Thuột không có nguồn tài nguyên này.

Một cơ sở khai thác cát ở khu vực cầu Giang Sơn (xã Yang Reh, huyện Krông Bông).

Qua thông tin từ các doanh nghiệp khai thác cát, nguyên nhân thiếu nguồn cát là do mực nước sông hạ thấp nên tàu thuyền không di chuyển được để khai thác. Bên cạnh đó, tàu thuyền hết hạn đăng kiểm không đủ điều kiện hoạt động theo quy định về đường thủy nội địa. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng khan hiếm cát, giá cát cũng tăng cao. “Hiện tại giá cát trên thị trường đã tăng gần 20%, nhiều nhà thầu không vận chuyển được cát do hiện tượng “găm hàng nâng giá””, ông San chia sẻ thêm.

Theo ông Phạm Xuân Thùy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần 484 – một nhà thầu đang thi công Dự án thành phần 2, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), đoạn qua huyện Krông Bông, hiện các mỏ cát của huyện Krông Bông chỉ đủ cung cấp cho các công trình dân sinh và các dự án xây dựng khác của địa phương. Trong khi nhu cầu của Dự án thành phần 2 là khoảng 750.000 m³ mà mỏ cấp phép khai thác của dự án này tại xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) lại không đủ khả năng cung cấp (chỉ được 250.000 m3). Đến thời điểm này, Dự án thành phần 2 còn thiếu khoảng 400.000 m3. Bên cạnh đó, một số mỏ lại quá xa so với dự án, làm tăng chi phí xây dựng, giảm hiệu quả đầu tư dự án. Việc cung cấp vật liệu cát cho Dự án thành phần 2 tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các nhà thầu.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh
Sáng 21/5, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025) và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 tổ chức Hội nghị tổng kết các các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025.