Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Ea Trang đổi công, giúp nhau sản xuất

08:20, 04/04/2022

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ea Trang (huyện M’Drắk) hiện có 742 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 10 chi hội thôn, buôn; trong đó, 100% hội viên là người dân tộc thiểu số.

Ea Trang là xã thuần nông, bà con chủ yếu trồng hoa màu và trồng keo, địa hình đồi núi dốc, khó áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Để tiết kiệm tiền công thuê người, trước đây, người dân địa phương vẫn duy trì hoạt động đổi công, song ban đầu chủ yếu là nhóm họp vài chị em trong xóm hoặc bà con thân tộc xoay vòng giúp nhau giải quyết việc đồng áng. Vài năm gần đây, phong trào đổi công ngày một phát triển và lan ra khắp xã, nhất là ở các chi hội phụ nữ với số người tham gia nhiều. Nhờ phong trào đổi công mà nhiều chị em ở xã Ea Trang có thêm vốn tích lũy mua sắm vật dụng trong nhà, có vốn đầu tư phát triển kinh tế, nuôi con ăn học.

Chi hội phụ nữ buôn Bơn đã thành lập được 6 tổ đổi công. Với mô hình này, các chị trong tổ khi đến mùa vụ đăng ký với chị tổ trưởng ngày làm của mình để tập hợp nhân công và sắp xếp ngày làm cho phù hợp, đặc biệt xét ưu tiên cho các trường hợp hộ nghèo, gia đình neo đơn. Các chị làm không tính tiền mà hôm nay làm cho nhà chị này, ngày mai làm cho chị kia, xoay vòng hết trong tổ. Nhờ vậy mà các chị luôn có việc làm luân phiên liên tục, vừa giải quyết việc làm không trùng công, vừa không cần tốn tiền mướn nhân công khi vào mùa vụ.

Chị em tổ đổi công buôn M'O làm đất trồng sắn.

Chị H'Nhơn Mlô, thành viên tổ đổi công ở buôn M'O chia sẻ: Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình chị từ hơn 1 ha sắn, vài sào lúa nước. Mỗi khi đến mùa vụ, ngoài các thành viên trong gia đình, một vài chị em trong họ, gia đình chị phải mướn thêm nhân công, tốn khoảng 1 - 2 triệu đồng. Nhưng từ khi tham gia vào tổ đổi công, gia đình chị đỡ tốn tiền thuê mướn, tích lũy mua thêm được đất trồng rừng, kinh tế ngày một đi lên. Không những thế, từ khi tham gia tổ đổi công, bản thân chị H’Nhơn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con khỏe, con ngoan.

Hiện nay, 100% chi hội phụ nữ trên địa bàn xã đã thành lập các tổ đổi công. Mỗi chi hội có từ 2 - 3 tổ, có từ 7 - 8 gia đình thành viên. Bên cạnh việc đổi công giữa các thành viên trong tổ, những lúc nông nhàn, các thành viên trong các tổ đổi công linh hoạt nhận thêm công việc như bóc vỏ keo thuê, nhận khoán trồng rừng, phun thuốc cỏ... để cùng nhau làm, tăng thêm thu nhập. Số tiền này các chị trích một phần xây dựng quỹ hội, quỹ “giúp hội viên nghèo” phát triển kinh tế. Hiện các chi hội phụ nữ xã đã xây dựng được 10 mô hình “ống tiền tiết kiệm”, 10 “hũ gạo tiết kiệm”, mỗi năm vận động hơn 40 triệu đồng để giúp hội viên nghèo vay vốn phát triển kinh tế và hơn 3 tạ gạo hỗ trợ các gia đình hội viên lúc ốm đau hoạn nạn. Qua đó mỗi năm giúp từ 1-2 hội viên ổn định cuộc sống, nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo.

Chị H’Cua Mlô, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Trang cho biết, thời gian tới Hội sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ đổi công để góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho chị em, đồng thời chú trọng tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gắn liền với tiêu chí “5 không, 3 sạch”…

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.