Multimedia Đọc Báo in

Tốc lực đắp đê cứu lúa

16:03, 16/08/2022

Liên tục nhiều ngày qua, người dân ở xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) nỗ lực đắp đê, ngăn nước lũ từ thượng nguồn đổ về để cứu cánh đồng hơn 1.000 ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch.

Mưa lớn kéo dài đã khiến cho hàng chục héc ta lúa của người dân xã Quảng Điền bị ngập. Để cứu lúa, địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện gia cố, đắp lại các tuyến đê ở những điểm xung yếu. Theo ghi nhận của phóng viên, trưa ngày 16/8, hàng trăm người dân xã Quảng Điền vẫn đang có mặt tại cánh đồng A, nhiều máy móc, ô tô đã được huy động để khẩn trương gia cố, đắp những đoạn đê thấp nhằm ngăn nước tràn qua; vật tư, nhân lực sẵn sàng ở các tuyến đê xung yếu để chủ động xử lý khi cần thiết. 

Người dân xã Quảng Điền
Người dân xã Quảng Điền tham gia vận chuyển đất kịp thời đắp đê ngăn lũ.

Túc trực tại bờ đê liên tục để tham gia vận chuyển những bao tải đất đến những điểm ngập, đắp thành những vùng đê bao an toàn nhằm ngăn nước tràn vào cánh đồng chưa bị ngập, ông Nguyễn Tấn Vương (Đội 2, thôn 2) chia sẻ: “Nước bắt đầu lên nhanh, dâng cao và tràn qua một số khu vực đê thấp vào trưa ngày 15/8, cả gia đình tôi đều tham gia túc trực, hỗ trợ công tác đắp đê ngăn lũ. Vụ mùa vừa qua, gia đình gieo trồng được 1,1 ha lúa ở cánh đồng A, chỉ còn gần 1 tháng nữa đến kỳ thu hoạch thì giờ đã bị ngập hơn 1 nửa. Nếu nước tiếp tục dâng cao tràn qua đê, ngập diện tích lúa còn lại thì vụ này gia đình coi như mất trắng”. 

Không cam lòng nhìn cảnh lúa, hoa màu, công sức của một vụ mùa trôi theo nước lũ, ông Phạm Văn Tuấn (Đội 2, thôn 2) cũng chung sức cùng mọi người nỗ lực tham gia hộ đê, giữ nước không tràn vào mặt ruộng. Ông Tuấn cho hay: “Hai ngày qua tôi cùng với các lực lượng của xã và nhiều người dân thức trắng đêm để vận hành máy bơm, theo dõi đê bao, nếu có đoạn nào tràn nước thì huy động người đắp. Tình hình ngập nước sâu ở phía ngoài đê bao như thế này, bao nhiêu công sức, giống, phân bón của người dân đầu tư cho vụ này coi như đổ sông, đổ biển”.

Nông dân ngâm mình trong nước gặt lúa sớm.
Nông dân ngâm mình trong nước gặt lúa sớm.

Từ ngày 12/8, khi mực nước dâng cao có nguy cơ tràn đê, chính quyền xã Quảng Điền đã chủ động thông báo đến toàn thể người dân, kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của xã, chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực để bảo đảm gia cố đê theo phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, UBND xã cũng chỉ đạo Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Điện Bàn kiểm tra, khắc phục kịp thời các vị trí hư hỏng ở hệ thống đê bao Quảng Điền, đổ 14 m3 đất, gia cố vị trí sụt lún chân đê bao tại cánh đồng A; sử dụng 5 máy bơm điện và 2 máy bơm cục bộ để chống úng cho diện tích sản xuất lúa nước của người dân. Trung bình mỗi ngày có 300 người tham gia công tác hộ đê tại địa bàn. Tuy nhiên, do nước lớn, lên nhanh nên gần 100 ha lúa phía ngoài đê bao đã bị ngập sâu, nguy cơ mất trắng. 

Tình hình ngập úng và công tác phòng chống lụt bão tại xã Quảng Điền

Ông Lê Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Điền cho biết: “Mưa lớn kéo dài khiến mực nước tại sông suối tăng nhanh, trong 3 ngày qua nước đã tràn qua một số tuyến đê thấp. Phía trong đê bao còn khoảng 800 ha lúa gần đến kỳ thu hoạch đang có nguy cơ bị ngập úng. Để cứu lúa, chính quyền địa phương đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, công an xã và bà con nhân dân tham gia đắp đê ngày đêm. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 800 m đê được gia cố. Với diện tích lúa ở vùng trũng, xã cũng vận động người dân tiến hành thu hoạch sớm để hạn chế thiệt hại. Hiện nay địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp, huy động toàn lực lượng túc trực kiểm tra, kịp thời xử lý các đoạn đê bị nước tràn qua, đồng thời chỉ đạo các hợp tác xã tích cực bơm chống úng, cố gắng không để lúa trong đê bao bị ngập lụt, bảo đảm diện tích thu hoạch cho người dân”.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.