Multimedia Đọc Báo in

Vui cùng Lễ hội Cà phê ở huyện Krông Pắc

07:56, 15/03/2023

Diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú, chuỗi hoạt động của huyện Krông Pắc hưởng ứng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 thu hút sự quan tâm hưởng ứng tích cực của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện.

Tại Khu Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đồn điền CADA, du khách có cơ hội tham quan các hạng mục nhắc nhớ về phong trào đấu tranh cách mạng của những công nhân đồn điền; tham gia hoạt động trải nghiệm quy trình trồng và sản xuất cà phê, thưởng thức cà phê miễn phí. Nơi đây còn trưng bày các hiện vật cũng như triển lãm ảnh về đời sống văn hóa các dân tộc huyện Krông Pắc.

Những ngày qua, khu di tích đón tiếp nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, đặc biệt là học sinh của các trường học trên địa bàn huyện Krông Pắc. Dẫn theo đoàn gồm 40 học sinh của trường đi tham quan, thầy Phạm Văn Khắc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tháng 10 (xã Ea Kênh) bày tỏ, nhà trường mong muốn thông qua hoạt động này các em học sinh có cơ hội tìm hiểu về văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện, thêm hiểu và tự hào về di tích, cũng như có những trải nghiệm thú vị với các hoạt động phong phú, đa dạng được tổ chức tại đây.

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến (thứ ba từ trái sang) cùng đại biểu và người dân tham gia thưởng thức ẩm thực tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Krông Pắc.

Cùng với các hoạt động trải nghiệm, tham quan, tại đây còn diễn ra Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Krông Pắc với nhiều hoạt động hấp dẫn: chế tác nhạc cụ, dệt thổ cẩm, liên hoan văn hóa, thi đấu thể thao, ẩm thực truyền thống... Tham gia ngày hội có 16 đoàn đến từ các xã, thị trấn với hơn 500 diễn viên, nghệ nhân, vận động viên cùng đông đảo người dân. Ấn tượng tại ngày hội là phần biểu diễn tiết mục nghệ thuật được người dân các xã, thị trấn dày công chuẩn bị, tập luyện, mang đến một bức tranh đa sắc màu tái hiện văn hóa đời sống của các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn huyện Krông Pắc: từ những bài dân ca quan họ, điệu múa sạp, múa xòe, cho đến làn điệu hát then ngọt ngào hòa vào thanh âm của cây đàn tính, hay âm vang từ cồng chiêng, lời hát ay ray rộn ràng... Bên cạnh những nghệ nhân, diễn viên lớn tuổi còn có sự tham gia của nhiều diễn viên nhỏ tuổi, như đội chiêng trẻ người Xơ Đăng ở xã Ea Yiêng với 13 thành viên nhí, trong đó nhỏ nhất chỉ mới hơn 10 tuổi. Đây là tín hiệu đáng mừng khi có sự tiếp nối gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống ở thế hệ trẻ.

Trong khi đó, phần thi ẩm thực truyền thống mang đến sự đa dạng, hấp dẫn đến từ các món ăn của những dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện như: canh cà đắng, thịt gác bếp, cơm lam, rượu cần của người Êđê; khâu nhục, thịt lợn quay, xôi ngũ sắc của người Tày; cá suối nướng, rau dớn thịt bò nướng ống tre của người Xơ Đăng; món bánh đập, mì lá, mì quảng của người Kinh... Mỗi món ăn mang một nét văn hóa độc đáo, đây cũng là dịp để quảng bá ẩm thực truyền thống dân tộc, giúp mọi người có cơ hội tìm hiểu và cùng thưởng thức.

Tiết mục của đội văn nghệ xã Ea Yông trình diễn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Krông Pắc.

Chị Lương Thị Hương (thôn Thạch Lũ, xã Ea Yông) chia sẻ, hằng ngày, hầu hết bà con trong xã đều tất bật trên nương rẫy, nhưng khi Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc được tổ chức, mọi người rất vui và hào hứng, nỗ lực tập luyện văn nghệ, thể thao, cũng như nghỉ công việc đồng áng để tham gia. Ngày hội là dịp để nhân dân trên địa bàn có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó.

Tại Quảng trường hồ Tân An (thị trấn Phước An), không khí lễ hội trở nên nhộn nhịp với hội chợ trưng bày, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của địa phương. Mỗi đơn vị có một gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh riêng. Xã Vụ Bổn mang đến nhiều sản phẩm như: mật ong, tinh bột nghệ, cà phê, trà hoa vàng, gạo ST25, dứa...; xã Ea Kênh ngoài cà phê còn có các loại trái cây như: sầu riêng, ổi xá lị, nhãn hương chi, hạt dổi nếp... Bên cạnh đó, các sản phẩm qua sơ chế được trưng bày tại hội chợ như: trà mãng cầu, sầu riêng sấy,  tiêu sấy, chuối sấy dẻo, yến sào... cũng thu hút du khách tìm hiểu và mua sắm. Đặc biệt, từ ngày 11 đến 13/3, tại Quảng trường hồ Tân An còn diễn ra Giải thi đấu biểu diễn lân sư rồng huyện Krông Pắc mở rộng, với sự tham gia của gần 400 vận động viên, huấn luyện viên của 20 câu lạc bộ đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các câu lạc bộ đã mang đến những màn biểu diễn đặc sắc, mãn nhãn, được người dân hào hứng cổ vũ.

Chị Nguyễn Thị Thảo (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, dịp này, tại huyện Krông Pắc có nhiều hoạt động để du khách tham quan, trải nghiệm. Gia đình chị khá thích thú khi có cơ hội tìm hiểu về các di tích lịch sử, văn hóa các dân tộc nơi đây, được hòa mình vào không khí lễ hội ngập tràn niềm vui. Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp ở đây khá đa dạng, giúp chị có nhiều sự lựa chọn sản phẩm đáp ứng nhu cầu của bản thân.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, Trưởng Ban tổ chức các hoạt động hưởng ứng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 tại huyện Krông Pắc cho biết, chuỗi hoạt động lần này thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân hưởng ứng tham gia nhiệt tình, địa phương cũng chú trọng triển khai các mặt công tác bảo đảm cho người dân dự hội an toàn, vui tươi. Thông qua chuỗi hoạt động nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện, đặc biệt là Khu Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đồn điền CADA, Miếu thờ CADA. Qua đó địa phương mong muốn kêu gọi thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh về phát triển nông nghiệp, du lịch nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.

Huyền Diệu – Hoài Thương


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.