Multimedia Đọc Báo in

Người dân xã Buôn Tría đóng góp gần 20 triệu đồng nạo vét kênh mương thủy lợi

16:15, 15/05/2023

UBND xã Buôn Tría, huyện Lắk cho biết, để bảo đảm nguồn nước tưới tiêu phục vụ hoạt động sản xuất, địa phương đã huy động người dân trên địa bàn đóng góp được 19 triệu đồng để thuê máy nạo vét kênh mương thủy lợi.

Theo đó, 56 hộ dân ở các thôn Liên Kết 1, Liên Kết 2, Liên Kết 3 và thôn Hưng Giang đã đóng góp được 19 triệu đồng để nạo vét tuyến kênh mương từ khu vực cầu gỗ thuộc thôn Liên Kết 2 đến đồi đất thuộc thôn Hưng Giang, với chiều dài khoảng 2 km. UBND xã sẽ dùng số tiền này để thuê máy đào tiến hành nhổ cây mai dương, nạo vét bùn, đất, đá dọc kênh mương ở khu vực nói trên.

Máy móc nạo vét kênh mương, phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã Buôn Tría, huyện Lắk.
Máy móc nạo vét kênh mương, phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã Buôn Tría, huyện Lắk.

Xã Buôn Tría có có diện tích trồng lúa mỗi vụ hơn 900 ha. Khu vực cánh đồng thôn Liên Kết 2 đến thôn Hưng Giang thuộc vùng trũng, nên vào mùa gieo sạ nếu gặp mưa rất dễ bị ngập úng, gây thiệt hại cho người dân, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng chung của địa phương. Do đó, việc nạo vét kênh mương thủy lợi góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng ngập úng ở khu vực này, đồng thời điều tiết nước sản xuất cho bà con trong các mùa vụ.

Bí thư Đảng ủy xã Buôn Tría Đào Quang Lâm cho biết, đoạn kênh mương từ cánh đồng thôn Liên Kết 2 đến cánh đồng thôn Hưng Giang có nhiều đoạn bị bồi lắng, cây mai dương mọc chằng chịt, ảnh hưởng đến dòng chảy. Để chuẩn bị cho sản xuất vụ hè thu 2023, địa phương đã huy động nhân dân đóng góp kinh phí để tu bổ, nạo vét, khơi thông dòng chảy. Ngoài công trình này, trong những năm qua, người dân trên địa bàn xã đã đồng lòng, chung sức cùng chính quyền địa phương xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nội đồng, đường nông thôn, góp phần đưa xã Buôn Tría về đích nông thôn mới vào cuối năm 2020.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.