Multimedia Đọc Báo in

Ông Đàm "ca cao"

07:04, 13/12/2023

Sau hơn 4 năm thực hiện nghĩa vụ với đất nước, năm 1988, ông Thái Đăng Đàm (SN 1962) xuất ngũ trở về quê hương Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông quyết định vào Đắk Lắk lập nghiệp tại thôn 14, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar.

Năm 2009, huyện Ea Kar có chủ trương đưa cây ca cao vào trồng tại địa phương, lúc này, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 14, ông Đàm đã tiên phong đi đầu trong việc trồng xen cây ca cao vào vườn điều rộng 2 ha của gia đình và mang lại thu nhập cao (300 triệu đồng/năm). Ông Đàm đã vận động người dân địa phương mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Cây ca cao đã được nhiều hộ dân đưa về trồng và không ngừng được mở rộng diện tích. Nhờ đó, nhiều gia đình trong thôn vươn lên thoát nghèo, kinh tế ngày càng phát triển.

Ông Thái Đăng Đàm (thứ hai từ phải sang) kiểm tra sản phẩm ca cao của hợp tác xã.

Với khát vọng đưa sản phẩm ca cao Ea Kar vươn xa, năm 2012, ông Đàm đã cùng các thành viên Câu lạc bộ trồng ca cao thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar. Năm 2014, với vai trò là Giám đốc HTX, ông Đàm cùng tập thể Hội đồng quản trị HTX đẩy mạnh việc nghiên cứu sản phẩm mới, làm hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)... Đến nay, HTX đã cho ra mắt thị trường 5 sản phẩm gồm: bột ca cao nguyên chất Thái Đăng; bột ca cao 3 trong 1 Thái Đăng; bơ ca cao Thái Đăng; sô cô la Thái Đăng và rượu ca cao Thái Đăng; trong đó, bột ca cao nguyên chất Thái Đăng đã được công nhận là sản phẩm OCOP (3 sao). Để mở rộng thị trường, ngoài việc quảng bá sản phẩm tại các kênh truyền thống, ông Đàm còn chú trọng giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo... và đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, ông còn thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật cho những gia đình trồng ca cao trên địa bàn, nhất là đối với những hộ mới trồng và hộ khó khăn về kinh tế.

Từ nhiều năm qua, HTX đã tạo việc làm ổn định cho 14 người lao động là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Bên cạnh việc làm kinh tế giỏi, ông Đàm còn là một đảng viên gương mẫu, luôn xông xáo trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Năm 2020, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn 14.

Anh Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.