Multimedia Đọc Báo in

Khơi sức dân nâng cao thiết chế văn hóa ở cơ sở

08:30, 14/05/2024

Hiện nay, nhiều thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn xã Ea Knuếc (huyện Krông Pắc) đã được tu sửa, xây dựng khang trang, sạch đẹp từ chính sự đồng thuận, chung tay của người dân.

Gần 10 năm trước, cùng với một phần kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, người dân thôn Tân Hòa 2 đã góp công, góp của xây dựng hội trường thôn và các công trình phụ trợ khang trang, sạch đẹp. Hội trường đã phát huy tốt công năng làm nơi tổ chức các cuộc hội họp của cộng đồng dân cư, là nơi tập luyện, biểu diễn thể thao, văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần của một địa bàn nằm cách xa trung tâm xã.

Trưởng thôn Tân Hòa 2 Nguyễn Duy Xuyên (bìa phải) chia sẻ về việc huy động sức dân tu sửa hội trường thôn.

Qua thời gian sử dụng, một số hạng mục công trình của hội trường cần được tu sửa, bổ sung để phục vụ tốt hơn nhu cầu của bà con. Vì thế, cuối năm 2023, ban tự quản thôn đã đề xuất bà con tiếp tục chung tay thực hiện chỉnh trang hội trường với các phần việc: sơn tường, mở rộng sân bê tông xi măng, trồng cây xanh và trang bị 10 bộ bàn mới. Phương án thực hiện nhanh chóng được bà con đồng thuận. Tổng kinh phí dự trù khoảng 30 triệu đồng được chia đều cho tất cả các hộ trong thôn, ngày thực hiện cũng nhanh chóng được thống nhất để các gia đình sắp xếp cử thành viên tham gia.

 

“Qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhiều thôn, buôn trên địa bàn xã đã huy động được sức dân tu sửa hội trường, chỉnh trang cảnh quan và các công trình thiết chế văn hóa ở cơ sở. Hiệu quả của các công trình mang lại là nguồn khích lệ, cổ vũ đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, buôn thêm mạnh dạn, tích cực, nỗ lực vì lợi ích chung của cộng đồng dân cư" - Bí thư Đảng ủy xã Ea Knuếc Nguyễn Thị Phượng.

Ngay sau khi hoàn thành, các khoản thu, chi được Ban tự quản đánh máy rõ ràng và gửi lên nhóm Zalo của thôn để tất cả bà con đều có thể theo dõi, giám sát.

Còn tại thôn Tân Hưng, cuối năm 2023 vừa qua, người dân, doanh nghiệp cũng đã tự nguyện đóng góp gần 100 triệu đồng để tu sửa, nâng cấp khuôn viên hội trường.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng thôn Tân Hưng chia sẻ, hội trường thôn vốn là hội trường Đội sản xuất cũ của Công ty TNHH MTV Cà phê - Ca cao Tháng 10, khuôn viên hội trường có tổng diện tích lên đến 2.000 m2 nhưng phần lớn bỏ trống vì gồ ghề, xuống cấp và mọc nhiều cỏ dại; trong khi đó, bà con, đặc biệt là các cháu thiếu niên, nhi đồng của thôn lại thiếu sân chơi, sân tập luyện thể dục thể thao.

Chính vì thế, khi ban tự quản đề xuất phương án tu sửa hội trường, nhân dân rất đồng thuận, ủng hộ.

Ngoài huy động đóng góp của các hộ trong thôn, cấp ủy, ban tự quản còn gửi thư ngỏ đến một số doanh nghiệp trên địa bàn và con em của địa phương đi làm ăn xa và nhận được những đóng góp đầy ý nghĩa để chung tay xây dựng quê hương.

Quá trình thực hiện thường xuyên được ban tự quản cập nhật tiến độ, kết quả đến toàn thể người dân, phát huy vai trò của ban giám sát cộng đồng, ban thanh tra nhân dân, đảm bảo tất cả các công đoạn thực hiện đều đạt yêu cầu chất lượng; kinh phí do người dân, doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ được sử dụng đúng mục đích, minh bạch, rõ ràng.

Từ dự định ban đầu chỉ làm mới sân bê tông diện tích khoảng 420 m2, nhờ sự góp sức của người dân, doanh nghiệp, thôn Tân Hưng đã hoàn thành nhiều hạng mục công trình như: sân xi măng gần 700 m2, sửa mái hội trường, sửa hệ thống chiếu sáng, làm bồn hoa, cây xanh…

Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng thôn Tân Hưng (bên trái) chia sẻ về các hoạt động được duy trì tổ chức sau khi hội trường thôn được tu sửa.

Với cảnh quan xanh, sạch, đẹp, sáng ánh điện hằng đêm, hội trường thôn Tân Hưng đã trở thành điểm đến thường xuyên của bà con, thanh thiếu niên, hội viên các chi hội, đoàn thể, tích cực tham gia các hoạt động thể thao, dân vũ, liên hoan, hội họp… góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.