Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ tiết kiệm giúp nhau thoát nghèo

08:18, 04/06/2024

Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Krông Năng đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình tiết kiệm, tạo nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo ở địa phương.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Năng Hoàng Thị Phương cho biết, hiện 13/13 cơ sở Hội trên địa bàn huyện đều có hoạt động tiết kiệm thông qua nhiều loại hình như: nuôi heo đất, hũ gạo tình thương, tổ/nhóm tiết kiệm, tổ hùn vốn xoay vòng… Trong đó tiết kiệm tại chi hội, tổ hội là loại hình tiết kiệm có số chị em tham gia đông nhất; tiết kiệm trong các tổ góp vốn xoay vòng là hình thức có số dư tiết kiệm cao nhất; tiết kiệm qua chương trình, dự án tín dụng của Hội, Ngân hàng Chính sách xã hội là mô hình được quản lý chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả và an toàn cao.

Cụ thể, Hội LHPN huyện đã có 224 tổ tiết kiệm, thu hút 9.632 thành viên tham gia với tổng số vốn hơn 9,2 tỷ đồng; hỗ trợ cho 1.890 lượt hội viên vay phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, mô hình tiết kiệm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt gần 10,9 tỷ đồng.

Các mô hình đã giúp hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, tạo thói quen tiết kiệm, biết tính toán chi tiêu để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Với 1.100 hội viên tham gia sinh hoạt tại 10 chi hội trực thuộc, Hội LHPN xã Tam Giang đã tuyên truyền, vận động hội viên cùng nhau tiết kiệm, xây dựng quỹ giúp nhau phát triển kinh tế. Năm 2019, quỹ tiết kiệm phụ nữ xã là 550 triệu đồng, đến nay đã tăng lên 950 triệu đồng, hỗ trợ cho 150 chị  vay.

Cùng với đó, Hội đã xây dựng mô hình nuôi heo đất, mỗi ngày hội viên chỉ tiết kiệm 1.000 đồng, đến nay đã có được số tiền 300 triệu đồng, cho 40 chị em vay không có lãi và hỗ trợ 2 hội viên chữa bệnh. Bà Lê Thị Yến, Chủ tịch LHPN xã Tam Giang cho biết, Ban Chấp hành Hội thường xuyên kiểm tra giám sát nguồn vốn vay, nhận thấy các hội viên được hỗ trợ vốn vay đều sử dụng nguồn vốn hợp lý, đúng mục đích, không thất thoát.

Bà Hồ Thị Cưu (bên trái) chia sẻ về mô hình kinh tế của gia đình với hội viên Hội LHPN xã Tam Giang.

Thông qua các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, từ năm 2019 đến nay đã có 12 hội viên thoát nghèo. Như trường hợp bà Hồ Thị Cưu (thôn Giang Hòa, xã Tam Giang) có hoàn cảnh gia đình khá khó khăn; hai vợ chồng già không có việc làm ổn định, lại phải nuôi cháu ngoại đã mất mẹ. Năm 2020, bà được vay 40 triệu đồng từ mô hình nuôi heo đất của chi hội phụ nữ thôn để đầu tư chăn nuôi.

Bà Cưu bày tỏ: “Từ nguồn vốn được hỗ trợ, gia đình tôi đã đầu tư nuôi dê, gia cầm, trồng cây ăn trái, năm ngoái bắt đầu có thu… Tôi thấy các mô hình tiết kiệm của chi hội phụ nữ thôn rất thiết thực, giúp nhiều chị em vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống”.

Hay như chị Trần Thị Nhung (thôn Tân Hà, xã Ea Toh) đã tham gia tổ tiết kiệm của chi hội phụ nữ thôn từ nhiều năm trước. Đến năm 2023, giá phân bón tăng cao, điều kiện gia đình còn khó khăn nên chị đã vay 15 triệu đồng đầu tư mua phân bón để chăm sóc 1 ha cà phê xen tiêu của gia đình. Năm nay, sau khi thu hoạch, gia đình chị đã trả hết, tạo điều kiện cho những hội viên khác tiếp cận với nguồn vốn.

Chị Nhung hồ hởi nói: “Mô hình không chỉ giúp tôi và các tổ viên vượt qua được giai đoạn khó khăn, mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Hy vọng mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng và phát triển để giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn có điều kiện làm ăn và nuôi con ăn học…”.

Chị Trần Thị Nhung (thôn Tân Hà, xã Ea Toh) chăm sóc vườn tiêu của gia đình.

Mô hình tiết kiệm trong hội viên của Hội LHPN huyện Krông Năng đã góp phần thực hiện an sinh xã hội, phát huy tinh thần "tương thân tương ái", giúp phụ nữ nâng cao ý thức, từng bước xây dựng thói quen tiết kiệm trong đời sống hằng ngày. Qua đó, các cấp Hội khẳng định vai trò, hiệu quả trong công tác vận động, hỗ trợ, đoàn kết phụ nữ, xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.