Vì sao điểm du lịch thác Krông Kmar vẫn “bất động”?
Sau khi tìm được nhà đầu tư, thác Krông Kmar (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) từng được kỳ vọng sẽ góp phần làm thay đổi cảnh quan, thu hút du khách, tạo điểm nhấn du lịch trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, sau 7 năm được cấp chủ trương đầu tư, khu du lịch này vẫn trong tình trạng “bất động”.
7 năm vẫn chưa xong thủ tục
Thác Krông Kmar từng được giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông khai thác, sử dụng làm điểm tham quan, du lịch từ năm 2001. Sau khi huyện Krông Bông kêu gọi được đối tác mới có năng lực đầu tư xây dựng điểm du lịch, năm 2017, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Công ty Cổ phần Đầu tư Anzen (gọi tắt là Công ty Anzen) đầu tư xây dựng thác Krông Kmar thành điểm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng với tổng số vốn khoảng 50 tỷ đồng.
Bao quanh thác Krông Kmar (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) là những cánh rừng xanh bạt ngàn. |
Theo chủ trương đầu tư, điểm du lịch này có tổng diện tích đất sử dụng gần 5,5 ha và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, do việc xác định nguồn gốc đất của dự án phức tạp nên chủ đầu tư phải mất nhiều thời gian. Đến cuối năm 2019 việc xác định nguồn gốc, ranh giới đất của dự án mới hoàn thành. Sau đó Công ty Anzen phải thực hiện rất nhiều thủ tục khác. Do vậy, công ty đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho giãn tiến độ đầu tư dự án đến ngày 28/8/2022. Dù đã được chấp thuận nhưng đến nay đã quá thời hạn hai năm mà dự án này vẫn “nằm bất động” trong sự nuối tiếc của chính quyền địa phương cũng như người dân trên địa bàn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 19 dự án sử dụng đất vào mục đích thương mại, dịch vụ được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trên đất do Nhà nước quản lý chưa cho thuê đất do bị vướng quy định tại khoản 12 Điều 1 và khoản 5 Điều 4 của Nghị định số 148/2020/NĐ-CP, ngày 18/12/2020, trong đó có Dự án đầu tư điểm du lịch thác Krông Kmar. |
Theo Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long, sau khi được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho đầu tư xây dựng thác Krông Kmar thành điểm du lịch, Công ty Anzen đã chi trả tiền mua đất và xin chuyển đổi đất thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, khi đơn vị đang thực hiện thủ tục đầu tư thì có quy định mới yêu cầu đất thương mại, dịch vụ phải thông qua đấu giá hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất; trong khi đó, tài sản và đất chủ đầu tư đã mua nên hiện nay không thể tổ chức đấu thầu theo quy định. Huyện đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị cả bằng văn bản và trong các cuộc họp để tỉnh kiến nghị với Trung ương sớm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án này. Công ty Anzen cũng đã hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ trình tỉnh xem xét giải quyết cho thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa giải quyết được.
Dự án “treo” do nhiều vướng mắc
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), trong quá trình thực hiện thủ tục đất đai, Dự án đầu tư điểm du lịch thác Krông Kmar gặp một số vướng mắc, trong đó có vướng mắc liên quan đến hình thức giao đất, cho thuê đất. Cụ thể, mặc dù được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng theo quy định tại khoản 12 Điều 1 và khoản 5 Điều 4 của Nghị định số 148/2020/NĐ-CP, ngày 18/12/2020 dự án này phải thông qua đấu giá hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Ngoài ra, theo ý kiến của Sở Tài chính, khu đất thực hiện Dự án đầu tư điểm du lịch thác Krông Kmar hiện còn gặp vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Cụ thể: việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thì phải lập, thẩm định, phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; tổ chức thực hiện theo đề án đã được phê duyệt; xác định giá trị tài sản để đưa vào liên doanh, liên kết, xác định giá cho thuê tài sản công... theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Sở Tài chính chưa đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý tiếp theo liên quan đến tài sản công này.
Điểm du lịch thác Krông Kmar (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) đìu hiu, "bất động" do "vướng" thủ tục đầu tư. |
Bên cạnh đó, theo Luật Đất đai năm 2024, dự án đầu tư đã lựa chọn được nhà đầu tư, chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật (từ ngày 1/7/2014 đến trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành) nhưng chưa giao đất, cho thuê đất mà thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo trong trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư, chủ đầu tư theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Để có cơ sở xem xét giải quyết tiếp thủ tục đất đai đối với dự án trên, Sở TN-MT đã đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài chính kiểm tra, rà soát, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh việc quản lý, sử dụng tài sản công nêu trên theo chủ trương đầu tư. Nếu đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật đối với quyết định chủ trương đầu tư dự án, gửi văn bản về Sở KH-ĐT. Từ đó làm cơ sở giao đất, cho thuê đất khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Trường hợp Sở Tài chính và Sở KH-ĐT rà soát, xét thấy việc lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư chưa đúng quy định của pháp luật về đầu tư và tài sản công thì báo cáo kết quả về UBND tỉnh để xem xét, xử lý lại về chủ trương đầu tư.
Có thể nói, quá trình giải quyết các thủ tục kéo dài với nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ không những gây tâm lý chán nản cho nhà đầu tư mà điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội huyện Krông Bông. Thiết nghĩ, các sở, ngành chức năng liên quan cần tăng tốc và quyết liệt hơn nữa trong công tác rà soát để xem xét, xử lý những "điểm nghẽn" nhằm tạo điều kiện giúp doanh nghiệp, địa phương tháo gỡ khó khăn để dự án sớm được triển khai thực hiện.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc