Nối dài thổ cẩm
Hiếm có một gia đình người Mạ nào vẫn giữ được nếp dệt thổ cẩm như gia đình bà H’Bạch ở bon N’Jiêng, xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Công việc ấy không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn giúp gia đình bà H’Bạch duy trì, tiếp nối truyền thống tốt đẹp đã tồn tại bao đời nay.
Dệt thổ cẩm để... lấy chồng
Nghỉ tay dệt, bà H’Bạch (73 tuổi) cho biết, là con gái Mạ thì phải biết dệt vải. Ngày xưa, khi mới 10 tuổi, H’Bạch đã được mẹ bày cho cách kéo sợi, lên rừng lấy lá cây, củ nghệ, cây chàm về nhuộm màu chỉ. Ban ngày đi làm, tối về ngồi vào khung cửi, cứ thế hơn 60 năm qua, bà H’Bạch thành thục kỹ thuật dệt, trở thành một trong số nghệ nhân lão luyện của nghề dệt thổ cẩm ở Đắk Nông.
Chị H’Bình chỉ cho con gái H’Nhàn (bên phải) kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống của người Mạ. |
Trong nếp nghĩ cũng như phong tục của đồng bào, con gái Mạ ai cũng phải biết dệt. Thế nên, ngay từ khi chưa lập gia đình, cô con gái H’Bình đã được bà H’Bạch dạy nghề dệt và trao truyền tình yêu với khung cửi, sợi chỉ. “Với đồng bào Mạ và các dân tộc bản địa khác, phụ nữ, con gái phải biết dệt vải. Ngày còn trẻ, dệt thổ cẩm để làm lễ vật cho việc hỏi chồng. Lập gia đình rồi thì dệt vải để may trang phục, làm chăn đắp cho con cái, vợ chồng. Thổ cẩm trở thành đồ dùng không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, nên những đứa trẻ trong nhà đều được tôi truyền dạy từ sớm, đứa nào có đam mê thì sẽ gắn bó được với nghề”, bà H’Bạch tâm sự.
Cũng theo bà H’Bạch, việc truyền dạy dệt thổ cẩm không phải đơn giản, ngày một ngày hai. Có những đứa trẻ, phải mất mấy năm cho đến lúc trưởng thành mới thành thạo nghề. Bù lại, khi đã có kỹ thuật tốt, người thợ có thể dệt ra những tấm thổ cẩm có giá trị cao, cả về hoa văn, họa tiết lẫn giá trị thương mại.
“May mắn là H’Bình chịu khó và luôn ý thức được ý nghĩa thổ cẩm của đồng bào Mạ nên 40 năm nay, nó vẫn theo mẹ dệt vải. Cũng nhờ dệt thổ cẩm, H’Bình được ra nước ngoài, được trình diễn cho khách quốc tế xem và bán được nhiều hàng hơn”, bà H’Bạch nói, ánh mắt tràn đầy sự tự hào và hãnh diện.
Sức sống thổ cẩm
Khi xưa, nhiều tấm thổ cẩm phải mất cả năm trời mới dệt xong. Những tấm vải được dệt bằng chất liệu tự nhiên với nhiều hoa văn độc đáo, có khi được định giá bằng cả một con trâu đực. Người Mạ gìn giữ, bảo quản chúng như những báu vật của gia đình.
“Đã có một thời, những tấm thổ cẩm trở thành thước đo giàu nghèo của các gia đình người Mạ. Nhà nghèo thì chỉ có tấm chăn để đắp, nhà giàu thì ngoài chăn thổ cẩm, họ còn may khố, váy, túi xách, khăn choàng... Phụ nữ Mạ muốn có được chồng thì phải tự tay dệt cho bên nhà chồng một vài tấm thổ cẩm, có nhà không dệt vải được thì phải mang đồ đạc giá trị ra đổi. Ngày nay, tuy không ai đổi trâu, đổi bò lấy một tấm chăn thổ cẩm nhưng với đồng bào Mạ, thổ cẩm vẫn có ý nghĩa và vai trò to lớn trong đời sống”, chị H’Bình vừa nói, vừa đưa đôi tay thoăn thoắt bên khung cửi.
Xã hội ngày càng phát triển, ngày nay những cô gái Mạ mười chín, đôi mươi không phải ngày ngày ngồi bên khung cửi dệt vải, bởi họ có thể dễ dàng mua cho mình tấm chăn, bộ váy chỉ với giá từ 1 - 3 triệu đồng. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của nhiều người, những tấm thổ cẩm được dệt thủ công vẫn là những tấm vải có giá trị nhất, khó định giá nhất. Cũng bởi vậy, vẫn còn rất nhiều người tìm mua thổ cẩm được làm thủ công, từ đó tạo chỗ đứng vững chắc cho thổ cẩm đồng bào Mạ. “Đã có lúc, tưởng chừng thổ cẩm chỉ còn gói trọn trong gia đình, nhưng vài năm gần đây, nhờ nỗ lực bảo tồn những giá trị văn hóa, trong đó có Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam được tổ chức tại Đắk Nông, thổ cẩm của người Mạ có cơ hội được “sống lại”. Không chỉ may áo, may khăn, thổ cẩm được ứng dụng nhiều hơn vào cuộc sống, gần hơn với người dân trong và ngoài tỉnh”, chị H’Bình cho hay.
Là Tổ trưởng Tổ hợp tác nghề dệt thổ cẩm truyền thống xã Đắk Nia, chị H’Bình cũng là người chứng kiến sự “thăng hạng” của thổ cẩm Mạ. Chị tự hào khi những hoa văn truyền thống của dân tộc, những màu sắc tự nhiên của núi rừng được các nhà thiết kế đưa vào sản phẩm thời trang. Chính điều đó đã giúp nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mạ trong xã phát triển, tạo thu nhập ổn định. Trung bình, một tuần mỗi thành viên trong tổ có thể dệt được một tấm thổ cẩm kích thước 50 x 150 cm, với giá bán từ 1,5 - 3 triệu đồng; thổ cẩm dệt ra đến đâu đều được đặt mua tới đó.
Gia đình bà H’Bạch đã có ba thế hệ nối tiếp nghề dệt thổ cẩm truyền thống. |
Ước vọng vươn xa
Dù không còn đáng giá cả gia tài như xưa, nhưng trong quan niệm của người Mạ, những tấm thổ cẩm vẫn giữ một ý nghĩa to lớn. Chẳng thế mà, những chiếc chăn, bộ váy được làm bằng thứ vải truyền thống này vẫn được người bà, người mẹ cất giữ cẩn thận, chờ đến lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa hay nhà có khách quý… mới mang ra dùng.
Với ý nghĩa ấy, nghệ nhân H’Bạch và chị H’Bình vẫn nặng lòng với nghề dệt, sẵn sàng truyền dạy cho những người có nhu cầu, trong đó có những bé gái trong bon, trong vùng. Trong đó, Trần H’Nhàn (SN 2006, con gái chị H’Bình), hiện là học sinh lớp 11 Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng (TP. Gia Nghĩa) được coi là thế hệ thứ ba, nối tiếp truyền thống nghề dệt của gia đình.
Được mẹ và bà dạy dệt từ năm 2019, đến nay H’Nhàn đã dệt được hàng chục tấm vải. Có tấm khi bán ra, giá trị lên đến vài triệu đồng. Và hơn cả, tấm vải ấy chính là minh chứng của sự kế cận văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Tôi chỉ mong ước rằng, con và cháu tôi sau này vẫn tiếp tục giữ nghề dệt thổ cẩm của ông bà để lại. Nhiều năm nay, xã Đắk Nia được chọn để mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, tôi đều được mời đứng lớp. Tiền công không nhiều, nhưng nhìn chị em hứng thú với nghề dệt, bao nhiêu vất vả, mệt mỏi tôi đều quên hết. Tôi nghĩ rằng, nếu biết trân trọng những tấm thổ cẩm, văn hóa Mạ có thể vươn xa hơn nữa để đến với cộng đồng quốc tế”, chị H’Bình nói và nhắc về niềm tự hào khi trở thành một trong số 7 nghệ nhân dệt thổ cẩm của Đắk Nông được tham dự Ngày quốc gia Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất cuối năm 2021.
Mạnh Phong
Ý kiến bạn đọc