Người nhạc sĩ tâm huyết với bảo tồn văn hóa truyền thống
Là người dân tộc Khơ Me, rời quê hương Sơn Trà (Đà Nẵng) vào định cư ở huyện Krông Bông từ năm 1975, ông Châu Phan, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Bông là người tâm huyết trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc ở huyện Krông Bông. Không những vậy, ông còn là nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc hay về quê hương căn cứ cách mạng H9.
Công tác trong ngành văn hóa huyện Krông Bông gần 40 năm, nhạc sĩ Châu Phan không nhớ đã bao nhiêu lần về các buôn làng phối hợp với các địa phương phục dựng và tổ chức những lễ hội truyền thống của đồng bào Êđê, M’nông, Mường, Thái, Tày, Mông; mở các lớp dạy cồng chiêng, hay tổ chức những đêm diễn, liên hoan văn hóa cồng chiêng, các cuộc thi, giao lưu âm nhạc truyền thống, buôn vui chơi, buôn ca hát...
Nhạc sĩ Châu Phan (thứ ba từ phải sang) cùng với đội chiêng buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui. |
Từ năm 2000, Châu Phan bắt đầu về các buôn Êđê, M’nông, trường phổ thông nội trú huyện để tổ chức mở các lớp truyền dạy đánh chiêng đồng, chiêng kram; phục dựng các lễ hội truyền thống. Năm 2013, ông và Phòng Văn hóa – Thông tin huyện phối hợp với UBND xã Cư Pui tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc phía Bắc lần thứ nhất. Đến nay ở các xã có người dân tộc thiểu số tại chỗ đều đã ít nhất có một lễ hội được phục dựng; lễ hội văn hóa các dân tộc phía Bắc được duy trì thường niên vào dịp đầu xuân ở các xã Cư Pui, Cư Drăm, Hòa Sơn.
Nhạc sĩ Châu Phan rất quan tâm đến những nghệ nhân ở các buôn làng, là người luôn tiếp sức, hỗ trợ về chuyên môn, động viên về tinh thần đối với các nghệ nhân như: nghệ nhân thổi đing năm Y Hai Byă (buôn H’ngô B, xã Hòa Phong), nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng Y Jút Êban (buôn Khanh, xã Cư Pui), nghệ nhân chế tác và biểu diễn nhạc cụ truyền thống Y Puen Niê (buôn Bhung Knung, xã Cư Pui), vợ chồng nghệ nhân hát ayray, kể khan, hát kưưt Ama Kim (buôn Mnăng Tar, xã Yang Mao)… Nghệ nhân Y Puên Niê chia sẻ: “Mình biết chế tác và sử dụng 6 loại nhạc cụ truyền thống của người Êđê. Anh Châu Phan là người gần gũi, động viên, khích lệ tôi phát huy sở trường của mình, tiếp tục chế tác các nhạc cụ cũng như tích cực tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống của xã, của huyện”. Là cán bộ quản lý, ông thường xuyên xuống cơ sở để phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa; huy động tặng hàng chục bộ chiêng đồng, chiêng kram, áo thổ cẩm cho các buôn. Đặc biệt, nhạc sĩ Châu Phan tự học và có thể giao tiếp thành thạo tiếng Êđê.
Nhạc sĩ Châu Phan (bên phải) thăm và động viên nghệ nhân thổi đing năm Y Hai Byă (buôn H Ngô B, xã Hòa Phong). |
Là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, nhạc sĩ Châu Phan sáng tác nhiều bài hát, trong đó có những ca khúc hay về quê hương cách mạng. Một số tác phẩm đáng chú ý như: “Khi buôn làng có Đảng” (năm 1989); “Về Krông Bông quê em” (năm 2011); “Cư Pui mùa Xuân đã về” (Năm 2017); “Đắk Tuôr mùa Xuân về” (năm 2018) ; “Nhớ anh lính đảo Trường Sa” (giải C, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk năm 2018); “Ơi Cư Yang Sin! Ơi Cư Yang Gri!” (năm 2019); “Chiếc gùi của em” (giải C, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk năm 2020); “Âm vang mãi Truông Bồn” (giải C, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk năm 2021)...
Tham gia nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống ở địa phương, nhạc sĩ Châu Phan trăn trở: “Mình vẫn còn “nợ” bà con buôn làng nhiều lắm. Mở các lớp truyền dạy nhạc cụ hay phục hồi được một số lễ hội rồi để đó mà không thường xuyên duy trì thì vẫn có nguy cơ bị lãng quên. Vì vậy, trong thời gian tới, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Bông sẽ tiếp tục phối hợp với các xã tổ chức các hoạt động văn hóa, tạo ra những sân chơi lành mạnh, hấp dẫn; quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa về kinh phí, đa dạng các hình thức tổ chức để những hoạt động văn hóa truyền thống trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bà con các buôn làng trong huyện...”.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc