Multimedia Đọc Báo in

Những nghệ nhân tài hoa của buôn làng

08:25, 12/02/2023

Tại các buôn làng ở huyện Krông Bông, có nhiều nghệ nhân tài hoa, đam mê và cố gắng giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Không chỉ duy trì nghề dệt thổ cẩm, thể hiện những làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống trong cuộc sống hằng ngày, họ còn tâm huyết trao truyền cho thế hệ trẻ với mong muốn dòng chảy văn hóa tiếp tục chảy mãi trong cộng đồng…

Người nghệ nhân đa tài, tâm huyết

Sinh ra và lớn lên ở buôn Khanh, xã Cư Pui, nghệ nhân Y Jút Êban (tên thường gọi là Ama Kuynh, dân tộc M’nông) đam mê và có năng khiếu về âm nhạc từ nhỏ. Anh có giọng hát hay, sáng tác được những bài hát dân ca Tây Nguyên, sử dụng được nhiều loại nhạc cụ truyền thống, nhạc cụ tân thời.

Anh đã tham gia nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn và đạt được nhiều giải cao. Y Jút còn sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Những nhạc cụ mà anh thường sử dụng là chiêng Kram, chiêng đồng, đing goong, đing năm, sáo vỗ, đàn klông pút, đàn pru, đặc biệt anh thổi sáo đing puốt rất hay. Năm 2020 nghệ nhân Y Jút cùng với đoàn nghệ nhân huyện Krông Bông tham gia biểu diễn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với những bài sáo đing puốt, sáo vỗ, chiêng đồng, chiêng kram và những bài dân ca Tây Nguyên được người nghe rất thích thú.

Nghệ nhân Y Jút truyền dạy lớp chiêng Kram cho thanh thiếu niên buôn Khanh (xã Cư Pui, huyện Krông Bông).

Tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa truyền thống, nghệ nhân Y Jút đã dạy miễn phí cho nhiều trẻ em địa phương sử dụng một số loại nhạc cụ, những điệu múa xoang truyền thống của người Êđê. Y Jút đã mở và dạy được 6 lớp chiêng kram và múa xoang cho những thanh thiếu niên ở các xã Cư Drăm và Cư Pui. Anh còn dạy các loại nhạc cụ như: chiêng, đàn goong, đing năm, đàn prú và múa xoang cho phụ nữ. Năm 2019, khi gia đình anh Dương Văn Tho (ở xã Cư Drăm) đã tự bỏ kinh phí mở lớp dạy đánh chiêng kram và múa xoang cho 15 nam nữ thanh thiếu niên người dân tộc Êđê, nghệ nhân Y Jút đã tình nguyện dạy miễn phí trong thời gian 3 tháng hè. Anh Tho cảm kích: “Anh Y Jút là người rất nhiệt tình, tâm huyết, không quản khó khăn, vất vả, không lấy tiền công mà dành nhiều thời gian, công sức để truyền dạy cho các em. Có hôm trời mưa, đêm tối nhưng anh vẫn mặc áo mưa chạy xe máy gần chục cây số đến lớp”.

 

“Phương pháp truyền dạy của anh Y Jút làm cho học viên rất dễ học, dễ hiểu, hứng thú nên chỉ trong thời gian ngắn các em đã thuộc rất nhiều bài chiêng, bài múa phụ họa - ông Y Then Mdrang, Trưởng buôn Khanh, xã Cư Pui".

Mới đây, nghệ nhân Y Jút Êban tiếp tục phối hợp với Ban tự quản buôn Khanh (xã Cư Pui) mở lớp dạy chiêng kram, múa xoang cho 20 thanh thiếu niên trong buôn để tham gia Lễ hội xuân Quý Mão của xã Cư Pui. Ông Y Then Mdrang, Trưởng buôn Khanh cho biết: “Mỗi khi ban tự quản đến đặt vấn đề mở lớp hay bồi dưỡng cho đội cồng chiêng của buôn thì anh Y Jút đồng ý ngay, không đòi hỏi tiền công. Khi mở lớp, anh dành nhiều thời gian và luôn nhiệt tình truyền dạy. Năm nào đội chiêng của buôn Khanh do anh Y Jút hướng dẫn tham gia liên hoan cũng đạt giải cao”.

Lưu giữ hoa văn thổ cẩm

Đam mê, yêu thích sắc màu thổ cẩm, gần 25 năm qua, chị H'Djueng Kuan (tên thường gọi Amí H Li, dân tộc Êđê), ở  buôn Plum, xã Ea Trul vẫn kiên trì, cần mẫn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc.

Theo lời kể của H'Djueng, khi chị lấy chồng, hằng ngày chị đều thấy mẹ chồng ngồi bên khung cửi. Chị tò mò tìm hiểu rồi đam mê sắc màu thổ cẩm lúc nào không biết. Từ đó, chị được mẹ chồng dạy từ cách giăng khung, luồn chỉ, đến kỹ thuật dệt những tấm vải với các họa tiết, hoa văn phong phú... Những kinh nghiệm học được từ mẹ chồng và các bà, các mẹ trong buôn, cùng với niềm đam mê các hoa văn truyền thống đã giúp chị thuần thục nghề, dệt ra được những sản phẩm thường sử dụng trong gia đình như chăn, địu, váy, áo... Khi địa phương mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ ở các buôn, H'Djueng hăng hái đăng ký tham gia lớp học để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm cho niềm đam mê dệt thổ cẩm của mình.

Chị H Djueng Kuan thực hiện kỹ thuật kteh cho sản phẩm áo nam. Ảnh: Diak Ayun

H'Djueng tâm sự, điều cuốn hút chị nhất trong cái nghề dệt chính là những nét hoa văn sinh động, độc đáo trên tấm thổ cẩm. Và chị kiên trì duy trì nghề này là để thỏa sức sáng tạo thêm những nét hoa văn mới lạ, độc đáo hơn. Một ngày không được động đến khung dệt là chị như thiếu đi một điều gì đó quen thuộc, chính vì thế, dù có làm công việc gì thì ngày ngày chị vẫn duy trì thói quen dệt vải. 

Đến nay H'Djueng đã trở thành nghệ nhân dệt tài hoa. Đôi bàn tay khéo léo của chị đã tạo ra nhiều nét hoa văn sắc sảo, mới lạ trên các sản phẩm thổ cẩm. Đặc biệt chị là một trong số ít những người có thể thực hiện kỹ thuật dệt đường kteh cho áo nam (kteh là một kỹ thuật khó hơn cách dệt hoa văn thông thường mà không phải ai cũng làm được). Sản phẩm dệt của H'Djueng không chỉ sử dụng trong gia đình, họ hàng mà còn được mọi người trong buôn, ngoài buôn yêu thích tìm mua để dùng trong việc cưới hỏi, đám ma, lễ cúng, lễ hội... Để dệt được một tấm thổ cẩm đủ may một bộ váy áo nữ, áo nam, chăn, địu, khố...  phải mất gần 7 ngày, nếu dệt tập trung thì mất 2 - 3 ngày, tiền mua vật liệu cũng tăng cao, nên sản phẩm thổ cẩm hiện nay của chị H'Djueng có giá khoảng từ 800.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/tấm, tùy theo kích cỡ, tùy loại sản phẩm. Những năm gần đây, nhiều người biết đến đặt mua và sản phẩm bán ra cũng được nhiều hơn, từ đó chị cũng có thêm thu nhập, thêm động lực để tiếp tục duy trì niềm đam mê văn hóa truyền thống này.

Tùng Lâm – Diak Ayun


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.