Multimedia Đọc Báo in

Phục dựng nhà dài: Cần một chiến lược bền vững

08:04, 09/03/2023

Đắk Lắk vừa phục dựng thêm một ngôi nhà dài mới đúng khuôn mẫu kiến trúc của đồng bào Êđê trong khuôn viên Bảo tàng Buôn Ma Thuột. Đây là công trình được Tỉnh ủy Đắk Lắk chỉ đạo xây dựng, với tinh thần vận động bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị di sản văn hóa kiến trúc Tây Nguyên.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết, công trình nhà dài là một phần chương trình bảo tồn bản sắc văn hóa Tây Nguyên mà ngành quản lý đang triển khai, vừa nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa cộng đồng, vừa phát triển các cơ hội đầu tư kinh tế cho người dân địa phương, cụ thể về du lịch. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, việc vận động phát triển các điểm đầu tư, công trình nhà dài sẽ không chỉ nằm ở số lượng mà còn phải nhằm đúng vào chất lượng…

Biểu tượng văn hóaTây Nguyên

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà dài của đồng bào Êđê là biểu tượng rõ nét về chế độ mẫu hệ ở các bộ tộc Tây Nguyên. Người phụ nữ Êđê là chủ gia đình. Những thế hệ phụ nữ Êđê đã theo nhau quản lý, phát triển các bộ tộc, buôn làng Tây Nguyên bao đời qua. Người phụ nữ Êđê bắt chồng và các bà mẹ sinh được nhiều con gái sẽ tỏ rõ uy quyền “thống trị” của mình. Mỗi người con gái Êđê đến tuổi lập gia đình sẽ được ghép thêm một gian riêng trong ngôi nhà của mẹ mình; cứ thế tiếp nối nhau, kéo dài các gian nhà ra. Như thế, nhà dài thể hiện quyền lực của các bà mẹ Êđê, nhà càng dài thì uy lực chế độ mẫu hệ trong đó càng lớn.

Nhà dài được người dân buôn AKô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) phục dựng phục vụ du khách.

Theo thời gian và lịch sử, ở những ngôi làng Tây Nguyên cận đại, quyền lực duy nhất không còn thuộc về phụ nữ; song tư duy coi trọng chế độ mẫu hệ vẫn phổ biến. Nhà dài không còn là dấu hiệu kiến trúc duy nhất với cộng đồng, nhưng chưa hề mai một trong người dân bản địa. Do đó, gìn giữ bản sắc văn hóa Tây Nguyên là phải lưu ý sự tồn tại tất yếu các ngôi nhà dài Êđê. Tôn vinh giữ gìn văn hóa phi vật thể Tây Nguyên chính là phải bảo vệ, bảo toàn những ngôi nhà dài.

Với tinh thần đó, trong những năm qua, ngành văn hóa Đắk Lắk luôn quan tâm đến công tác duy tu bảo dưỡng, phục dựng các nhà dài. Theo thống kê của ngành văn hóa, một lượng lớn các công trình nhà dài vẫn được cộng đồng người dân gìn giữ và sử dụng sinh hoạt hằng ngày. Điều đáng lo, là phần lớn những nhà dài này đều đã xây dựng từ nhiều năm, hiện trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng, mà người dân không có đủ điều kiện tu sửa bảo vệ. Không ít nhà dài trong các khu vực đông cư dân bị các công trình xây dựng dân dụng khác lấn chiếm diện tích, nên càng nhanh xuống cấp. Do đó, ngành văn hóa địa phương rất lo lắng, đề xuất các giải pháp cấp thiết để tỉnh sớm có một chiến lược quy hoạch kiểm soát, quản lý đồng bộ, nghiêm túc về hiện trạng các nhà dài và có thể phục dựng, giữ gìn.

Yêu cầu cấp thiết

Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk chia sẻ, những ngôi nhà dài đang hiện hữu thực sự là tài sản văn hóa kiến trúc giá trị mà địa phương không thể để mai một. Để bảo vệ an toàn khối lượng tài sản này, địa phương cần sớm nhìn nhận thấu đáo ba vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị các công trình nhà dài.

Thứ nhất, cần có một bộ tiêu chí khoa học kỹ thuật, tra sưu thống kê về nhà dài, với các số liệu, chỉ số kiến trúc công trình sao cho chuẩn xác, tuân thủ đúng tỷ lệ kích thước, diện tích… các nhà dài, để có thể ban hành thành quy chuẩn bảo tồn, bảo vệ, phục dựng và xây dựng mới. Hiện tại, trên địa bàn có nhiều tổ chức, người dân tự xây dựng các nhà dài, nhưng thiếu đi các số liệu kỹ thuật kiến trúc nên không tái hiện được chuẩn xác các công trình nhà dài, có khi bị sai lệch, rất đáng tiếc và nguy hiểm cho công tác bảo tồn về sau.

Thứ hai, bên trong các nhà dài là cả một không gian quần tụ sinh hoạt, văn hóa, phản ảnh chính xác đời sống đồng bào dân tộc, cần được tìm hiểu chi tiết, chính xác và thận trọng. Từ những bếp lửa cho nữ chủ nhân nhà dài, đến từng gian ở riêng của các cặp vợ chồng, rồi khu vực tiếp khách, uống rượu… đều cần phải được nghiên cứu để phục dựng, tổ chức hoạt động đúng mực, chính xác.

Thứ ba, không gian văn hóa nhà dài của người đồng bào là một dạng “thể chế” sinh hoạt đặc thù, đến nay khi kết hợp các hoạt động khác như tổ chức tiếp đón du khách, làm các bữa tiệc, giao lưu… sẽ cần được điều chỉnh, sắp xếp lại sao cho thỏa đáng. Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu không có định hướng và điều tra, tham vấn đầy đủ, sẽ dẫn đến những va chạm với văn hóa, tín ngưỡng vốn có của đồng bào, gây phản cảm, giảm giá trị văn hóa… Việc đưa vào sử dụng các nhà dài mới xây dựng hiện nay là cả một vấn đề, vì cơ bản biến không gian sinh hoạt của những gia đình truyền thống văn hóa dân gian thành không gian giao tiếp, giao lưu văn hóa, gồm cả văn hóa quốc tế. Cho nên, các cơ quan chức năng và quản lý văn hóa cần hết sức thận trọng, nhưng cũng phải linh hoạt, tích cực với các biến tấu, cách điệu, thay đổi cần thiết và hợp lý.

Rõ ràng những công trình nhà dài Êđê, khi nhìn qua lăng kính văn hóa - xã hội hiện đại, với những yêu cầu duy tu, bảo tồn, phục dựng và khai thác giá trị, sẽ có rất nhiều vấn đề cũ mới nảy sinh. Bảo vệ được số lượng nhà dài đã là một khó khăn, song làm sao khai thác tốt giá trị văn hóa trầm tích trong những không gian ấy là một thách thức rất lớn với ngành văn hóa Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.