Multimedia Đọc Báo in

Thiết lập các “vùng xanh” phòng dịch cho đô thị

08:58, 21/08/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đã phải chuyển sang trạng thái quyết liệt, siết chặt hơn công tác quản lý địa bàn nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ lây lan.

Mô hình áp dụng chủ yếu là phong tỏa mọi hoạt động đi lại và duy trì những “vùng xanh an toàn” cho cư dân. Những điều kiện nào bảo đảm điều đó?

Kiến tạo “vùng xanh”…

Dù không quá căng thẳng, nhưng Hà Nội là thành phố đầu tiên của cả nước kiến tạo mô hình “vùng xanh đô thị”. Bắt đầu từ ý tưởng thiết lập các “tuyến xanh” vận tải thực phẩm cho người dân vùng nội đô, Hà Nội đã định vị rõ một số khu vực không có dấu hiệu nhiễm dịch và nỗ lực “quây kín” bảo vệ, tránh dịch xâm nhập vào các khu này. Khái niệm “vùng xanh” theo đó ra đời, và từ 30 phường đầu tiên ở quận Hoàng Mai, đến nay "tín hiệu xanh" đã lan tỏa qua các phường, quận khác.

TP. Hồ Chí Minh nhận ra bài học kinh nghiệm khi để tình hình dịch lây lan với tốc độ di chuyển của dòng người thiếu kiểm soát nên học tập kinh nghiệm từ Hà Nội, bắt buộc thắt chặt quản lý để tạo ra các “vùng xanh đô thị”. Dù hơi chậm trễ, song đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã có những tín hiệu tích cực ở TP. Thủ Đức và một số quận trung tâm. Theo đó, chính quyền ban hành rõ điều kiện và yếu tố cần thiết về thiết lập các “vùng xanh”, bằng cách chọn các khu dân cư có điều kiện khép kín sinh hoạt nội bộ, có luồng tuyến giao thông thuận lợi hỗ trợ cung ứng hàng hóa và buộc cư dân ở yên tại chỗ. Gần như các “vùng xanh” tại TP. Hồ Chí Minh đều được phong tỏa cứng, mọi giao vận hàng hóa đều đặt ở các chốt kiểm tra.

TP. Đà Nẵng cũng định vị “vùng xanh đô thị” từ việc phong tỏa toàn địa bàn từ sáng 16-8-2021. Qua đó, các khu dân cư không bị nhiễm dịch trong cộng đồng được siết chặt quản lý, cắt đứt mọi hoạt động đi lại, trừ lực lượng chức năng và chuỗi cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân. Đà Nẵng hy vọng sau 7 ngày phong tỏa, địa phương sẽ là một “vùng xanh” ổn định hơn, chỉ có một số khu vực “dấu đỏ” do cách ly dịch bệnh.

Một khu phố trong nội thành Buôn Ma Thuột được cách ly để phòng, chống dịch. Ảnh: Kim Oanh

Chăm lo tốt đời sống người dân, sẽ có “vùng xanh”!

Rõ ràng qua thực tế, vấn đề thiết lập các “vùng xanh” an toàn cho cư dân đô thị đang là giải pháp để công tác phòng, chống dịch được tổ chức chu toàn hơn. Tiêu chí cụ thể của các vùng xanh là phải giữ được trạng thái bình ổn trong hoạt động “tĩnh” của các khu, cụm dân cư. Người dân hạn chế ra đường, hạn chế tiếp xúc, cắt đứt hoàn toàn mọi nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Đối lại, chính quyền phải kiên quyết xử lý những vi phạm, và có hai phương án tổ chức tốt việc chăm lo đời sống, sức khỏe người dân: Phải hình thành được các chuỗi cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong “vùng xanh”; tổ chức trợ cấp cho mọi đối tượng cư dân gặp khó khăn, bị tổn thương từ dịch bệnh. Nếu không có được hai giải pháp này, các “vùng xanh” không thể thiết lập.

Thực tế hiện tại cho thấy, không có chỗ nào tuyệt đối an toàn trước dịch bệnh nên sẽ không có khái niệm “vùng xanh bất biến”. Sự phân biệt, thiết lập chỉ có tính tương đối và không thể chủ quan trong điều phối duy trì các “vùng xanh”. Các lực lượng chức năng phải hết sức nhạy bén linh hoạt, theo dõi sát sao thực tế và chủ động có phương án đối phó những tình huống bất ngờ, mới thực sự giữ vững được các “vùng xanh” cho đô thị.

Đối với các đô thị đang triển khai giãn cách theo Chỉ thị 15 như TP. Buôn Ma Thuột, rõ ràng yêu cầu định vị các “vùng xanh” an toàn không phải là xa vời. Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan, sự chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất phải được đặt ra, địa phương mới có đủ điều kiện và tâm thái sẵn sàng. Theo đó, cần thực hiện ngay những yêu cầu cơ bản để thiết lập các “vùng xanh” đô thị, như giới hạn đi lại tiếp xúc, tổ chức chuỗi cung ứng ổn định, đầy đủ cho người dân các khu vực cách ly, phải phong tỏa… và nhất là chủ động hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn bởi dịch bệnh.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.