Multimedia Đọc Báo in

Ấm áp tình người trong đại dịch

07:31, 12/09/2021

Chung tay góp sức vượt qua đại dịch COVID-19, nhiều tập thể, cá nhân đã có những hành động thiết thực. Tùy điều kiện, hoàn cảnh, mỗi người có những cách làm khác nhau, nhưng đều chung tấm lòng nhân ái, san sẻ giúp đỡ nhau lúc khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Sẻ chia với khu cách ly

Để nấu được 100 “suất cơm 0 đồng” trao tặng ban quản lý và người dân đang thực hiện cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung số 1 và số 3 (xã Cư Yang, huyện Ea Kar), vợ chồng anh Đặng Văn Đỉnh ở thôn 9 của xã đã tính toán, lên thực đơn từ mấy ngày trước, đi chợ từ sáng sớm rồi sơ chế, nấu nướng, đóng hộp và vận chuyển đến tận nơi.

Anh Đỉnh bày tỏ: “Lực lượng làm công tác quản lý tại các khu cách ly rất vất vả, túc trực cả ngày lẫn đêm. Công dân trong khu cách ly đều là lao động từ ngoài tỉnh về, ai cũng khó khăn. Mình không trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch được thì làm những gì trong khả năng cũng cảm thấy ấm lòng”.

Vợ chồng anh Đặng Văn Đỉnh (bìa phải) ở thôn 9 (xã Cư Yang, huyện Ea Kar) trao tặng "suất cơm 0 đồng" cho khu cách ly tập trung số 1 của xã.

 

 
Trong gian khó, các tầng lớp nhân dân càng phát huy tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”. Sự chung sức, sẻ chia, hỗ trợ lẫn nhau cho thấy quyết tâm, đoàn kết cùng vượt qua đại dịch".
 
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Ea Kar Nguyễn Đức Ba

Đều đặn vào buổi trưa thứ 2, 4, 6 trong tuần, “Bếp ăn 0 đồng” của Hội LHPN xã Cư Elang (huyện Ea Kar) lại đỏ lửa, nấu những bữa cơm ngon gửi tặng lực lượng phòng, chống dịch và người dân thực hiện cách ly tại hai khu cách ly tập trung của xã.

Để có kinh phí duy trì “Bếp ăn 0 đồng”, cán bộ, hội viên phụ nữ xã đã kêu gọi, vận động trực tiếp và qua mạng xã hội Facebook, Zalo... Rất nhiều tấm lòng hảo tâm đã đóng góp tiền, gạo, rau, củ, quả, nhu yếu phẩm cho bếp.

Đáng trân trọng hơn, nhiều hội viên dù là hộ nghèo cũng sẵn lòng cho đi những gì có thể. Đem 4 kg gạo đến ủng hộ “Bếp ăn 0 đồng”, bà H’Kbri Niê ở buôn Ea Rớt chia sẻ: “Mình dù có nghèo cũng không túng thiếu như những người trong khu cách ly. Góp thêm ký gạo để họ được ăn no có sức vượt qua dịch bệnh mình thấy rất vui”. Nhờ những tấm lòng sẻ chia đó, “Bếp ăn 0 đồng” của Hội LHPN xã Cư Elang đã được duy trì hơn 3 tuần, trao tặng hơn 1.000 suất ăn miễn phí.

Tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), những khu dân cư, hộ gia đình bị cách ly do có liên quan tới những ca bệnh COVID-19 đều nhận được sự hỗ trợ thiết thực. Đơn cử, tại buôn Tơng Ju có 7 hộ bị cách ly. Lực lượng trực chốt ở đây kiêm luôn nhiệm vụ hỗ trợ người dân đi chợ, mua nhu yếu phẩm, trao quà của mạnh thường quân gửi tặng. Các thành viên tổ COVID-19 cộng đồng còn thay phiên nhau cắt cỏ cung cấp thức ăn cho đàn bò của các hộ trong khu cách ly để bà con yên tâm.

Được cho đi là hạnh phúc

Từ tháng 7 đến nay anh Trần Tú (TP. Buôn Ma Thuột) kinh doanh lĩnh vực trang sức đã tạm thời đóng cửa hàng, chung tay phòng, chống dịch bằng những hành động thiết thực như trao tặng khẩu trang, kính chống giọt bắn đến lực lượng trực chốt, nhân viên y tế trên tuyến đầu; kêu gọi bạn bè cùng đóng góp mua rau xanh và nhu yếu phẩm gửi cho người dân vùng bị ảnh hưởng dịch bệnh như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Với chị Nguyễn Thị Thu Nga (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), danh sách những người gặp khó khăn trong đại dịch được giúp đỡ vẫn đang nối dài, đó là những hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật, không có khả năng lao động. Chị tham gia tặng suất ăn khuya cho lực lượng trực chốt phòng, chống dịch trên địa bàn.

Anh Trần Tú (bìa phải) tặng khẩu trang, kính chắn giọt cho tuyến đầu chống dịch.

Không đủ sức khỏe xông xáo đến tận nơi hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn như chị Nga, anh Tú, bà Trần Thị Tám (82 tuổi, ngụ tại TP. Buôn Ma Thuột) hỗ trợ theo hoàn cảnh thực tế của mình. Nhà bà có 11 phòng trọ ở đường Y Ngông, người thuê đa số là sinh viên và người lao động nghèo. Thấu hiểu được những khó khăn mà người lao động đang trải qua, hơn 1 tháng nay bà đã miễn tiền thuê trọ cho họ. Tuy cuộc sống cũng không dư giả gì, nhưng theo bà Tám, vẫn còn nhiều người khó khăn hơn mình, mọi người cùng đùm bọc nhau trước dịch bệnh. Nếu giảm tiền phòng trọ, thu nhập gia đình sẽ sụt giảm, nhưng đổi lại bà cảm thấy vui khi giúp mọi người nhẹ bớt phần nào gánh nặng chuyện cơm áo, gạo tiền trong những ngày này.

Chung tay để sẻ chia được nhiều hơn

Chị H’Bloen Niê (Tổ trưởng Tổ COVID-19 cộng đồng số 6 buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, buôn có 8 tổ COVID-19 cộng đồng. Ngay từ khi dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh, các tổ này đã được kích hoạt và hoạt động tích cực cho đến ngày nay. Đối với các trường hợp thực hiện cách ly tại nhà, thành viên trong tổ đã đến thăm hỏi, giúp đỡ mua lương thực, thực phẩm, thuốc men hoặc đồ dùng sinh hoạt... Cùng với đó, tuyên truyền đến mọi người dân về dịch bệnh, thực hiện các biện pháp phòng dịch cho bản thân, không kỳ thị đối với các trường hợp trong diện cách ly, cùng nhau đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ea Kar, các hội, đoàn thể, nhóm thiện nguyện, cá nhân trên địa bàn huyện đã đứng ra vận động nguồn lực hỗ trợ để nấu các suất ăn miễn phí, trao tặng gạo, rau củ quả, nhu yếu phẩm chung tay phòng, chống dịch COVID-19. Đơn cử như tại xã Ea Ô, anh Nguyễn Mạnh Duy, Trưởng nhóm thiện nguyện xã Ea Ô và các thành viên đã phối hợp với Ban cứu trợ xã khởi động và triển khai “Bếp ăn 0 đồng”, hỗ trợ trên 4.500 suất cơm miễn phí cho lực lượng phòng, chống dịch và người dân tại các khu cách ly tập trung.

Đại diện Nhà Văn hoá Thanh thiếu nhi tỉnh hỗ trợ nhu yếu phẩm cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Vân Anh

Tại xã vùng III Cư Bông, huyện Ea Kar, để kịp thời chia sẻ khó khăn với người dân thôn 20 trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 và các khu dân cư xóm 2A, xóm 2B của thôn thực hiện phong tỏa, cách ly y tế từ ngày 10-8-2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã có thư kêu gọi và nhận được tấm lòng, sự chung tay góp sức của hàng trăm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cư Bông Dương Minh Yến cho biết, thôn 20 hiện có 27 hộ nghèo và cận nghèo, nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, Mặt trận xã đã tiếp nhận tiền mặt, gần 4.300 suất cơm, 725 kg gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm, vật dụng, vật tư y tế với tổng trị giá trên 243 triệu đồng để hỗ trợ người dân.

Để thực hiện cách ly y tế đối với người dân từ các tỉnh thành có dịch trở về địa phương và những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, thời gian qua, huyện Ea Kar đã kích hoạt và đưa vào hoạt động 4 khu cách ly tập trung của huyện, 1 bệnh viện tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 và 35 khu cách ly tập trung ở các xã, thị trấn. Điều đáng nói, cùng với sự quan tâm của huyện, các cấp, ngành, địa phương, các khu cách ly tập trung, bệnh viện đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ về nguồn lực rất lớn của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm thiện nguyện trong và ngoài huyện.

Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ea Kar đã tiếp nhận được hơn 400 triệu đồng tiền mặt, trên 30.000 “suất cơm 0 đồng”, nhiều nhu yếu phẩm, vật tư y tế hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch, người dân đang điều trị bệnh COVID-19 và cách ly tập trung. Các xã, thị trấn cũng đứng ra kêu gọi, vận động nguồn lực nhằm thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống dịch.

Nguyễn Xuân - Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.