Multimedia Đọc Báo in

Duy trì hiệu quả công trình cấp nước tập trung vùng nông thôn

07:48, 07/10/2021

Bằng các nguồn vốn khác nhau, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở vùng nông thôn.

Theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, bao gồm cả hộ sử dụng nước sạch trên toàn tỉnh đạt 95%; trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch khoảng 11,3%. Việc người dân nông thôn được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh đã góp phần cải thiện chất lượng sống, giảm tình trạng bệnh tật, tăng cường sức khỏe, cũng như thực hiện tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh kiểm tra hệ thống vận hành Công trình cấp nước xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc).

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc) được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2020. Công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh môi trường dựa trên kết quả với tổng kinh phí thực hiện gần 15 tỷ đồng, cấp nước cho 950 hộ dân thuộc 6 thôn, buôn trên địa bàn xã.

 

Để các công trình cấp nước tập trung nông thôn phát huy hiệu quả, ngoài việc tổ chức sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình phù hợp với năng lực, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh còn phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ công trình và sử dụng nước tiết kiệm.

Được biết, trước đây các hộ chủ yếu dùng nguồn nước giếng đào, chỉ có số ít sử dụng giếng khoan. Vào mùa hè nước giếng cạn kiệt, nhiều gia đình phải đi xin nước ở hộ có giếng khoan hoặc đi lấy nước ở sông, suối về dùng. Bây giờ, có nguồn nước sạch để sử dụng, ai cũng  phấn khởi vì không còn lo thiếu nước như trước, mà chất lượng nước cũng bảo đảm hơn.

Tháng 8-2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống lọc nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân buôn Yông Hăt (xã Krông Nô, huyện Lắk). Buôn Yông Hăt là buôn căn cứ cách mạng với trên 90% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Toàn buôn có 168 hộ dân thì có đến 53 hộ nghèo và 37 hộ cận nghèo. Từ bao đời nay, người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước giếng đào để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, nhưng hầu hết các giếng nước đều bị nhiễm phèn, đã vậy mùa khô đều cạn nước, không đủ dùng. Do đó dù cuộc sống khó khăn, người dân vẫn phải mua nước lọc đóng bình về để nấu ăn và uống, trung bình mỗi tuần một hộ gia đình có 5 thành viên sử dụng khoảng 2 bình nước lọc (40 lít).

Chính vì thế, khi biết được hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống lọc nước sạch, người dân trong buôn Yông Hăt đã đồng lòng đóng góp hơn 30 triệu đồng (mỗi hộ 200.000 đồng) khoan giếng có độ sâu gần 100 m để lấy nguồn nước.

Người dân buôn Yông Hăt sử dụng nguồn nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.

Hệ thống lọc nước được đặt tại Nhà văn hóa cộng đồng buôn, có công suất từ 2.000 – 3.000 lít/giờ, tự động bơm nước từ giếng lên liên tục. Cùng với đó, nhà tài trợ cấp cho mỗi hộ dân trong buôn một bình đựng nước lọc (dung tích 20 lít). Ông Y Ji Rơ Lưk, Bí thư Chi bộ buôn Yông Hăt chia sẻ, để bảo đảm hiệu quả sử dụng, Ban tự quản buôn tổ chức quản lý, trông coi hệ thống; người dân trong buôn đóng góp kinh phí để chi trả tiền điện bơm nước hằng tháng. Điều đáng mừng nhất là hệ thống cấp nước này không chỉ giải quyết nhu cầu nước sạch phục vụ người dân trong buôn mà còn tiết kiệm chi phí mua nước, góp phần bảo đảm sức khỏe, phòng tránh bệnh tật cho mọi người.

Hiện nay, toàn tỉnh có 168 công trình cấp nước tập trung nông thôn được đầu tư từ nhiều nguồn vốn (tăng 39 công trình so với năm 2015), góp phần nâng số người được sử dụng nước hợp vệ sinh toàn tỉnh qua các năm tăng lên đáng kể. Cụ thể, từ 88,31% năm 2016 tăng lên 91,4,6% năm 2018, đến cuối năm 2020 đã tăng lên khoảng 95%. Trong đó, nhiều công trình cấp nước sạch được đầu tư xây mới gắn với việc nâng cấp, mở rộng khả năng cấp nước của hệ thống cấp nước hiện hữu đã giúp người dân tại nhiều vùng nông thôn được hưởng niềm vui có nước sạch sử dụng.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.