Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức cho người về quê

20:31, 07/10/2021

Chia sẻ với những khó khăn đối với bà con trở về từ các tỉnh phía Nam, trong những ngày qua hàng nghìn suất ăn, chai nước, phần quà đã được lực lượng tình nguyện dọc tuyến đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) qua Đắk Lắk trao gửi cho dòng người trên hành trình về quê.

Trắng đêm, đội mưa hỗ trợ công dân

Bất kể ngày đêm, nắng mưa, lực lượng công an, quân đội và thanh niên tình nguyện trên địa bàn tỉnh đã luân phiên hướng dẫn, điều tiết an toàn giao thông, trao các suất ăn miễn phí cho người dân khi đến địa phận tỉnh Đắk Lắk.

Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông hướng dẫn giao thông cho đoàn xe của công dân từ các tỉnh phía Nam đi qua tỉnh Đắk Lắk.
Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông hướng dẫn giao thông cho đoàn xe của công dân từ các tỉnh phía Nam đi qua tỉnh Đắk Lắk.

Đêm 2-10, Công an tỉnh đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác có mặt tại các địa điểm như chốt kiểm soát dịch, điểm tập trung xét nghiệm để hướng dẫn công dân nhằm đảm bảo an ninh trật tự, cũng như tránh ùn tắc giao thông. Trung tá Nguyễn Viết Hải, Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, Phòng CSGT đã điều động hàng chục xe chuyên dụng để mở đường, dẫn hàng nghìn xe, người từ chốt kiểm dịch tiếp giáp tỉnh Đắk Nông đến khu vực giáp ranh với tỉnh Gia Lai, trên tinh thần không để các phương tiện dừng, đỗ trên địa bàn. 

Cùng với lực lượng công an, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã kích hoạt lại đội hình thanh niên tình nguyện cấp tỉnh nhằm hỗ trợ công dân trở về từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương. Chị Phan Thị Trinh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ, Tỉnh đoàn đã phân công lực lượng đoàn viên thanh niên đón tiếp, tiếp nhận công dân, hướng dẫn, phân luồng việc giãn cách cho người dân trong quá trình chờ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Đồng thời vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ phần ăn như cháo, sữa, nước để giúp cho người dân trong thời gian chờ đợi test nhanh.

Bên cạnh đó, lực lượng của đơn vị còn phối hợp các huyện, thị, thành phố để hỗ trợ đưa công dân trở về các khu cách ly của địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch, lên lịch cụ thể cho các bạn đoàn viên thanh niên để làm công tác điều phối phù hợp với tình hình thực tế. Với 3 điểm tiếp nhận công dân, Tỉnh đoàn đã phân bổ đều các nhiệm vụ như hỗ trợ test nhanh, ghi danh sách phân loại công dân của từng địa phương, công tác hỗ trợ suất ăn nhẹ, nước uống… Mỗi điểm Tỉnh Đoàn bố trí từ 25-30 bạn thanh niên tình nguyện phối hợp với lực lượng liên quan để hỗ trợ các hoạt động liên quan đến việc tiếp nhận công dân trở về tỉnh.

Thanh niên tình nguyện hướng dẫn người dân đến khu vực test nhanh SARS-CoV-2.
Thanh niên tình nguyện hướng dẫn người dân đến khu vực test nhanh SARS-CoV-2.

Anh Trương Thanh Bình (TP. Buôn Ma Thuột), một tình nguyện viên công tác hỗ trợ công tác tiếp nhận công dân từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương tâm sự, gần một tuần nay anh và các bạn trong nhóm đã cùng lực lượng chức năng hỗ trợ, hướng dẫn hàng nghìn người dân đến và về tỉnh. Những ngày qua lượng công dân về rất đông, các nhóm tình nguyện làm việc với cường độ rất cao, cộng với thời tiết mưa nhiều, nhưng vượt qua mọi khó khắn, tất cả anh em đều động viên nhau phải cố gắng thật nhiều để hỗ trợ tốt nhất có thể để bà con trở về nhà, về khu cách ly sớm nhất.

Ấm lòng người trở về

Rạng sáng ngày 3-10, hàng nghìn công dân từ các tỉnh phía Nam trở về tỉnh được hướng dẫn vào khu vực Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Tại đây, những suất ăn nhẹ, chai nước uống miễn phí được sắp đặt ngay ngắn trên những dãy bàn kê sẵn, ai đói thì lấy ăn, ai khát thì lấy uống và những người đi xa cũng chọn cho mình những suất quà bỏ vào túi, ba lô cho hành trình nghỉ dọc đường.

Thanh niên tình nguyện hướng dẫn người dân khai báo y tế.
Thanh niên tình nguyện hướng dẫn người dân khai báo y tế.

Chị Nông Thị Lan (thị trấn M’Drắk, huyện M’Drắk) cảm động, vào lúc 20 giờ tối ngày 2-10, vợ chồng chị và con 16 tháng tuổi đi xe máy từ Bình Dương trở về Đắk Lắk. Vẫn biết, con nhỏ, di chuyển bằng xe máy trong điều kiện thời tiết mưa to là rất nguy hiểm, nhưng ở lại trong tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, cuộc sống tha phương rất khó khăn nên buộc lòng gia đình chị phải rồng rắn kéo nhau về quê.

Hơn 3 tháng ròng mất việc, cả 3 miệng ăn đều phụ thuộc vào những phần cơm từ thiện, hay nhu yếu phẩm hỗ trợ từ các nhà hảo tâm nên khi tỉnh Bình Dương “mở cửa” là vợ chồng chị thu xếp đồ lên đường về quê ngay. Khi về tới địa phận Đắk Lắk, từ khu vực Chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 14 đoạn qua xã Hòa Phú, chị và nhiều người dân được hỗ trợ những suất ăn nhẹ miễn phí. Khi về đến điểm test SASR-CoV-2 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng gia đình chị được các tình nguyện viên hướng dẫn nhiệt tình, ở đây các phần ăn cũng được chuẩn bị chu đáo, chị rất cảm kích vì được mọi người quan tâm, hỗ trợ.

Lực lượng tình nguyện phát suất ăn nhẹ, nước uống cho công dân về tỉnh trên Quốc lộ 14 đoạn qua xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột.
Lực lượng tình nguyện phát suất ăn nhẹ, nước uống cho công dân về tỉnh trên Quốc lộ 14 đoạn qua xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột.

Đang mang bầu con đầu lòng tuần thứ 39, chị H’Trang Kđoh (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cùng chồng vượt quãng đường gần 400 km từ TP. Hồ Chí Minh về Đắk Lắk bằng xe máy với không ít khó khăn. Song trên hành trình di chuyển vợ chồng chị được lực lượng chức năng các tỉnh hỗ trợ tận tình. Cầm hộp xôi trên tay, chị bộc bạch, sau gần 12 giờ đồng hồ, đến 7 giờ sáng ngày 3-10 vợ chồng chị đến địa phận Đắk Lắk.

Quá trình di chuyển do thai đã nhiều tuần tuổi, lại gặp trời mưa nên vợ chồng chị không theo kịp các đoàn xe, hễ mệt khi nào thì nghỉ lúc đó. Vì lo sợ dịch bệnh nên trước khi xuất phát chị cũng chuẩn bị một số thức ăn sẵn như bánh mì, sữa tươi để quá trình dừng nghỉ có cái để ăn uống.

Về đến Đắk Lắk nhận được sự quan tâm, đồng cảm của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và cả những người dân ven đường mà nước mắt chị lưng tròng vì xúc động. “Về tới cầu 14 là lòng cảm thấy bình an và ấm áp, vợ chồng tôi sẽ chấp hành việc cách ly, chuẩn bị cho cuộc vượt cạn để đón thiên thần bé nhỏ” – chị H’Trang trải lòng.

Kim Hoàng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.