Huyện Krông Búk: Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Những năm qua, huyện Krông Búk đã thường xuyên đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về khiếu nại, tố cáo đối với người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
Cư Pơng là xã vùng sâu của huyện Krông Búk với 69% dân số là người DTTS. Để giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi khiếu nại, tố cáo, hằng năm, UBND xã Cư Pơng đã phối hợp với ngành chức năng huyện triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, PBGDPL về từng thôn, buôn, hộ gia đình.
Ông Nguyễn Chí Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Pơng chia sẻ: "Ngoài tuyên truyền, PBGDPL lồng ghép trong hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt hằng tháng của các hội, đoàn thể, cũng như trên hệ thống loa truyền thanh, xã còn xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật; triển khai cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật do các cấp, ngành phát động. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những luật có liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như: Hộ tịch, đất đai, khiếu nại, tố cáo, hôn nhân và gia đình, giao thông đường bộ…"
Một cuộc họp giữa Đảng ủy, UBND xã Cư Né với các già làng, người có uy tín và chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn |
Những cách làm thiết thực của xã Cư Pơng đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giải quyết kịp thời các vướng mắc, tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân. Nhiều vụ việc phản ánh, kiến nghị đến UBND xã đều được xử lý kịp thời, hiệu quả, không xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Điển hình như hồi tháng 3/2021, bà H’Tiắk Niê (SN 1969, trú buôn Adrơng, xã Cư Pơng) gửi đơn khiếu nại lên UBND xã Cư Pơng về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 4 sào đất của gia đình bà bị sai lệch vị trí thực tế. Trước sự việc đó, UBND xã đã yêu cầu cán bộ địa chính về xác thực, đo đạc lại, đồng thời thiết lập hồ sơ chuyển lên phòng chức năng của huyện làm thủ tục chỉnh sửa, bổ sung cho người dân.
Nói về điều này, bà H’Tiắk Niê bộc bạch: “Nhờ thường xuyên tham gia các buổi tuyên truyền, PBGDPL của xã, tôi hiểu hơn về Luật Đất đai, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ trong công tác khiếu nại, tố cáo; không nghe những lời xúi giục, lôi kéo của kẻ xấu đẩy vụ việc lên phức tạp rồi kiện tụng vượt cấp, kéo dài. Sau khi kiến nghị, UBND xã đã có trách nhiệm xử lý, chuyển hồ sơ giải quyết thấu đáo cho người dân vừa kịp thời, thỏa đáng lại không ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương”.
Người dân đến tham khảo thông tin tại Tủ sách pháp luật của xã Cư Pơng. |
Ông Lục Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Cư Né cho biết, đặc thù của địa phương là có đông đồng bào dân tộc Êđê, đa phần bà con không biết đọc, biết viết và không nói sõi tiếng phổ thông.
“Khi nắm bắt rõ kiến thức pháp luật thì việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo sẽ đảm bảo đúng quy định pháp luật, giúp cơ quan hữu trách giải quyết nhanh chóng hơn các vụ việc, kịp thời đem lại quyền lợi chính đáng cho nhân dân”. Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Krông Búk Ngô Xuân Thiều
|
Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, PBGDPL, xã Cư Né đã phát huy vai trò của đội ngũ già làng, chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động người dân, giúp bảo đảm tình hình an ninh trật tự địa phương. Họ là những người gần gũi, hiểu về phong tục, tập quán của bà con hơn cả, nên việc tuyên truyền phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước rất hiệu quả. Hằng quý, UBND xã cũng tổ chức họp với đội ngũ này để nắm bắt tâm tư tình cảm của người dân gửi gắm, giải quyết vướng mắc phát sinh từ cơ sở, vừa cập nhật thêm kiến thức về những thông tư, văn bản luật mới liên quan đến đời sống người dân địa phương để về tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân.
Còn nhớ hồi đầu năm 2021, người dân phản ánh về trường hợp một hộ kinh doanh ở buôn Mùi 1 để vật liệu xây dựng gây cản trở đường đi chung, xã đã lập đoàn xuống xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu trả lại hành lang giao thông. Khi gia đình này vẫn chây ì, xã phối hợp với già làng, người có uy tín trong cộng đồng đến khuyên nhủ. Già làng, trưởng buôn đã khéo léo lựa lời hay, lẽ thiệt, lấy tình làng nghĩa xóm làm trọng, sau vài lần vận động, hộ dân này đã chấp nhận sửa sai, tự xây nhà kho cất giữ vật liệu xây dựng.
Lực lượng Công an xã Cư Né tuyên truyền pháp luật cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. |
Theo ông Ngô Xuân Thiều, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Krông Búk, thời gian qua, ngành chức năng huyện đã triển khai nhiều giải pháp, thường xuyên đổi mới, nâng cao hình thức, nội dung tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào DTTS theo hướng dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ. Bên cạnh việc phối hợp với địa phương tuyên truyền cho người dân bằng cả hai thứ tiếng phổ thông và tiếng DTTS, Phòng Tư pháp huyện còn chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai “sân khấu hóa” nội dung PBGDPL. Điển hình như việc tổ chức hội thi “hòa giải viên giỏi” hằng năm từ cấp xã đến cấp huyện. Tại đây, người dân được nghe, xem các tiểu phẩm phản ánh sinh động, chân thực những câu chuyện xảy ra trong đời sống, từ đó hiểu và có ý thức hơn trong thực hiện, chấp hành pháp luật.
Nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào DTTS ở Krông Búk, những năm gần đây, hầu hết các vụ khiếu nại, tố cáo đều đúng quy trình, quy định, bảo đảm quyền dân chủ; đồng thời, được các cấp, ngành liên quan giải quyết kịp thời, hiệu quả. Trong 10 tháng năm 2021, cấp xã và huyện Krông Búk đã tiếp nhận 125 đơn khiếu nại, tố cáo/125 vụ việc. Đến nay, cấp huyện đã giải quyết được 51 đơn/85 vụ thuộc thẩm quyền, số còn lại được chuyển đến cơ quan chức năng cấp trên giải quyết.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc