Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò trụ cột an sinh

15:06, 27/01/2022

Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) là hai trụ cột trong chính sách an sinh xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với cả nước, BHXH tỉnh đã kịp thời triển khai hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho đơn vị sử dụng lao động và người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 trên địa bàn, góp phần đảm bảo cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.

BHXH, BHYT là hai chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội để góp phần thực hiện công bằng xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế. Ngay sau khi Bộ Chính trị khóa XI ban hành Nghị quyết số 21 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT, giai đoạn 2012 - 2020, Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đưa Nghị quyết số 21 vào cuộc sống. Cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Trung ương liên quan đến chính sách BHXH, BHYT.

Đặc biệt, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quan trọng về hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng từ ngân sách địa phương đã tạo điều kiện cho nhiều người dân, nhất là hộ điều kiện kinh tế khó khăn tham gia BHYT. Cùng với sự ra đời của chính sách, các cấp, ngành cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của BHXH, BHYT trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội và phát triển KT-XH để người dân thấy được quyền lợi của mình, tự nguyện tham gia BHXH, BHYT.

 

Trong giai đoạn hiện nay, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, chính sách BHXH, BHYT càng minh chứng rõ vai trò quan trọng trong ổn định an sinh xã hội. Đơn cử như việc Quỹ BHYT chi trả cho các bệnh nhân mắc COVID-19; cơ quan BHXH xác nhận các trường hợp người lao động, doanh nghiệp được hỗ trợ từ Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Hay mới đây là thực hiện chi hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ.

Theo Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Khắc Tuấn, công tác BHXH, BHYT luôn được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương. Nhận thức của doanh nghiệp, người lao động và nhân dân về BHXH, BHYT ngày càng nâng cao đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chế độ BHXH, BHYT. Vì vậy, chế độ chính sách BHXH, BHYT đã được triển khai ở quy mô sâu rộng. Năm 2021, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành tham mưu lãnh đạo tỉnh đưa chỉ tiêu BHXH, BHYT vào chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh ước đạt 119.280 người, trong đó số tham gia BHXH tự nguyện là 17.500 người; số người tham gia BHYT ước đạt 1.528.000, đạt tỷ lệ bao phủ 82,5% dân số toàn tỉnh. Trong năm đã giải quyết cho 1.952 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng, 13.966 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần, 13.247 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.  Đồng thời, thực hiện chi trả giải quyết các chế độ BHXH trên 3.039 tỷ đồng; thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho trên 2,1 triệu lượt người với tổng kinh phí 1.018 tỷ đồng.

Chia sẻ về những đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan BHXH tỉnh, Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Khắc Tuấn cho biết thêm, với tinh thần tranh thủ mọi thời gian để thực hiện giải quyết các chế độ, chính sách nhanh nhất, kịp thời nhất cho người lao động, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán điện tử… theo tinh thần chỉ đạo của BHXH Việt Nam, góp phần đảm bảo quyền lợi của người lao động, các chế độ, chính sách được chi trả kịp thời, đúng đối tượng. Trên tinh thần lấy người dân làm gốc, trách nhiệm của cơ quan BHXH là mang tính chất phục vụ, đơn vị luôn xác định phải nâng cao năng lực, đổi mới tác phong, lề lối làm việc và thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, góp phần đem đến sự hài lòng cho nhân dân.

Chính sách BHXH, BHYT đi vào cuộc sống đã khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chủ yếu của hệ thống chính sách an sinh xã hội. Việc kịp thời triển khai, giải quyết những chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho người tham gia của BHXH tỉnh đã góp phần đảm bảo an sinh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.  

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.