“Cầu nối” giúp phụ nữ vươn lên
Xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) có đa số là đồng bào có đạo; tuy chỉ có 2 buôn dân tộc thiểu số song diện tích rộng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên công tác thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt còn hạn chế. Với phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Dray Bhăng đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để tạo thêm sinh kế giúp hội viên vươn lên.
Cán bộ Hội LHPN xã thường xuyên đi sâu sát cơ sở, quan tâm đặc biệt đối với các đơn vị hoạt động còn yếu kém, chú trọng xây dựng các mô hình, câu lạc bộ (CLB) phù hợp với chị em ở cơ sở. Hiện nay hội đã thành lập được 1 CLB "Phụ nữ tự tin", 1 mô hình "Địa chỉ tin cậy" tại cộng đồng, 2 CLB "Phụ nữ với pháp luật"... để các hội viên có cơ hội gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết. Bên cạnh đó, Hội còn xây dựng được 16 mô hình rau sạch với 135 hội viên tham gia; 18 mô hình phụ nữ tín dụng tiết kiệm có 540 thành viên; 2 mô hình hũ gạo tiết kiệm; 1 tổ hợp tác dệt thổ cẩm, 1 tổ hợp tác may mặc... nhằm giúp phụ nữ vươn lên thoát nghèo.
Tổ viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại buôn Hra Ea Hning có việc làm thường xuyên. |
Một trong những tổ hội đang phát huy hiệu quả là Tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại buôn Hra Ea Hning. Nhận thấy tại buôn Hra Ea Hning có nhiều chị em biết dệt thổ cẩm nhưng lại không thể gắn bó với nghề, các chị chủ yếu đi làm nương rẫy, cuộc sống vất vả, thu nhập thấp mà nghề dệt thổ cẩm dần mai một, Hội LHPN xã đã liên kết với một nhà may lớn tại xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) chuyên về thiết kế áo váy từ thổ cẩm để hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho chị em trên địa bàn. Tháng 7/2021, Hội LHPN xã thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm với 6 tổ viên (đều là nghệ nhân dệt thổ cẩm). Bà H’Neo Buôn Táp, Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, thời gian đầu tổ hợp tác chỉ dệt theo các loại mẫu thổ cẩm truyền thống, sau một thời gian đã làm đa dạng sản phẩm với nhiều loại hoa văn, mẫu quần áo, váy, túi... Bên cạnh đó, các chị em trong tổ còn được nhiều người dân trong xã tìm đến đặt dệt. Nhờ vậy, các tổ viên có thu nhập ổn định trên 3 triệu đồng/tháng.
Con đường hoa giấy do Hội LHPN xã Dray Bhăng thực hiện. |
Với những cách làm thiết thực, hội viên sinh hoạt hội ngày càng đông và tích cực. Năm 2016 tổng số hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt chỉ có 800 hội viên, nguồn tiết kiệm tại chi hội đạt 118,4 triệu đồng. Sau 6 năm, số hội viên sinh hoạt hội lên đến 1.750 hội viên, sinh hoạt tại 5 chi hội thôn, buôn, với nguồn tiết kiệm hơn 330 triệu đồng”. Chủ tịch Hội LHPN xã Dray Bhăng H’Jai Hmốk
|
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, một số chị em đi làm ăn xa trở về địa bàn. Để giữ chân hội viên phụ nữ, Hội LHPN xã phối hợp với Hội LHPN huyện tổ chức 1 lớp dạy nghề may mặc cho 35 hội viên, sau đó kết nối với các công ty may mặc tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương để nhận các mối hàng về may mặc. Cuối năm 2020, Hội LHPN xã Dray Bhăng thành lập Tổ hợp tác may mặc tại buôn Hra Ea Tlá với 4 tổ viên. Chị H’Thủy Byă, Tổ trưởng tổ may mặc chia sẻ, ban đầu các tổ viên chủ yếu làm lúc rảnh rỗi, làm thêm vào buổi tối do còn ít việc. Nhờ khéo léo, chăm chỉ, hoàn thành tốt các đơn hàng được giao, Tổ hợp tác nhận được nhiều đơn hàng hơn. Đơn cử vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, các đơn hàng về nhiều nên các tổ viên phải làm hết công suất mới kịp giao hàng.
Bên cạnh phát triển các CLB, tổ hội, Hội LHPN xã còn thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên nghèo phát triển sản xuất như trao quà, bò, dê… Trong năm 2021, khi biết được hoàn cảnh khó khăn của chị H’Bông Byă (buôn Hra Ea Hning) chồng mất, một mình nuôi 5 đứa con ăn học, lại không có đất sản xuất, Hội LHPN xã hỗ trợ gia đình chị 1 cặp dê sinh sản trị giá 12 triệu đồng. Hội còn thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm kiên cố tại 2 buôn Hra Ea Tlá, Hra Ea Hning, qua đó giúp người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc