Multimedia Đọc Báo in

Để hè về không còn nỗi đau đuối nước!

09:31, 22/05/2022

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong hai năm 2020 và 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 102 vụ đuối nước khiến 121 trẻ tử vong. Riêng những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2022 vừa qua, đã xảy ra liên tiếp 5 vụ đuối nước khiến 13 học sinh tử vong.

Đây quả là những con số đau lòng. Trách nhiệm của người lớn, cơ quan chức năng ở đâu khi nhìn những giọt nước mắt đau đớn của những người thân nạn nhân đuối nước?

Yếu tố khách quan dẫn đến tình trạng đuối nước trên địa bàn tỉnh là Đắk Lắk có địa hình đa dạng nhiều sông suối, ao hồ, đập thủy lợi, thủy điện và nhiều hồ chứa nước tưới trong vườn, rẫy của người dân. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn đuối nước thương tâm là do nhiều trẻ em chưa biết bơi – kỹ năng sống thiết yếu.

Chưa kể, nhiều trường hợp trẻ em biết bơi nhưng vẫn đuối nước do thiếu kiến thức, kỹ năng sinh tồn dưới nước, không kiểm soát khả năng của bản thân dẫn đến bị sặc nước, ngạt nước. Đây là "khoảng trống" trong việc dạy bơi, huấn luyện kỹ năng và công tác phòng, chống tai nạn đuối nước.

Đuối nước cũng xảy ra do sự sao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc cha mẹ, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thiếu sân chơi, cha mẹ bận việc nương rẫy, các em nhỏ tìm đến sông suối, ao hồ, kênh mương để tắm, đùa nghịch mà không có người lớn.

Dạy trẻ học bơi là cách phòng, chống đuối nước hữu hiệu. (Trong ảnh: Trẻ em học bơi tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh).
Dạy trẻ học bơi là cách phòng, chống đuối nước hữu hiệu. (Ảnh minh họa: Lan Anh).

Có thể thấy, dù "hồi chuông" cảnh báo đã gióng lên từ lâu, nhưng hiểm họa đuối nước vẫn tiềm ẩn mọi lúc, mọi nơi, đòi hỏi người lớn chúng ta cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, tránh đuối nước để bảo vệ trẻ em. Điều này đòi hỏi sự phối hợp, chung tay của mọi gia đình, các cấp, các ngành, đoàn thể.

Đối với các địa phương, trường học cần chủ động tổ chức những lớp dạy bơi, tập huấn kỹ năng, khuyến khích xã hội hóa dạy bơi.

Với mỗi gia đình, cần theo dõi, giám sát kỹ lưỡng việc vui chơi của con em, tạo điều kiện cho trẻ tham gia các lớp bơi lội để giúp các em có kỹ năng ứng phó để có thể sinh tồn khi gặp phải trường hợp ngoài ý muốn lúc ở dưới nước.

Trước thực trạng đuối nước liên tục xảy ra, vừa qua UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cha mẹ và trẻ em; chỉ đạo việc thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em”, “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống đuối nước ở trẻ em, đặc biệt vào những tháng trước khi học sinh nghỉ hè; kiểm tra, phát hiện các "điểm nóng" có nguy cơ cao xảy ra đuối nước và có hình thức cảnh báo kịp thời.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè. Đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học. Vận động, đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ và kỹ năng phòng, chống đuối nước, chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.