Nâng niu mũi chỉ đường kim
Trải qua một thời gian trầm lắng, nghề thêu tay đang hồi sinh từ những ứng dụng hiện đại và mới mẻ, tạo nên những nét chấm phá độc đáo cho những ai yêu thích vẻ đẹp tinh tế của những sợi chỉ, đường kim.
Gần bốn năm bén duyên với nghề thêu, Nguyễn Ý Nhi (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã xây dựng cho mình một xưởng thêu tay tại nhà, chuyên gia công cho nhiều xưởng thời trang ở trong và ngoài tỉnh. Ý Nhi biết đến kỹ thuật thêu tay từ những video trên mạng xã hội và tự mày mò từ những mũi thêu căn bản. Vừa tự học, Nhi vừa ứng dụng các mẫu thêu đơn giản trên những chiếc áo sơ mi trắng "secondhand" như một cách làm mới cho những sản phẩm đã qua sử dụng. Làm đến đâu, Nhi chụp ảnh và đăng mẫu lên trang Facebook cá nhân của mình và các hội, nhóm thêu tay để bán sản phẩm. Cũng từ đó, ngày càng có thêm nhiều người biết và đặt hàng Nhi thêu các mẫu họa tiết lên áo, váy...
Nguyễn Ý Nhi sáng tạo mẫu thêu trên những nền vải đơn sắc. |
Ý Nhi chia sẻ, thêu truyền thống thường sử dụng chỉ đơn, thêu kín họa tiết kết hợp kỹ thuật pha màu, chuyển màu khá phức tạp, đòi hỏi tay nghề cao và thời gian thực hiện dài. Còn thêu hiện đại lại chú trọng thêu nổi, thêu viền, không cần chuyển màu nhiều trong một chi tiết mà tập trung vào các đường nét chấm phá tạo những điểm nhấn mềm mại, nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, thêu hiện đại thường sử dụng nhiều sợi chỉ trong một mũi thêu khiến sản phẩm được hoàn thiện nhanh hơn nhiều so với thêu truyền thống. Vì thế mà giá thành một mẫu thêu hiện đại thường thấp hơn và được ứng dụng dễ dàng hơn trên các sản phẩm thời trang cũng như các vật phẩm trang trí nhà cửa, đời sống.
Hiện, cơ sở của Nhi đang nhận gia công cho 3 xưởng may lớn, chưa kể các mẫu khách lẻ đặt riêng. Đơn hàng nhiều nhưng thợ thêu không được phép làm ẩu, làm vội mà phải thật sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và trau chuốt. Ngay từ tư ghế ngồi, cách cầm kim, hay lực kéo từng sợi chỉ đều tác động ít nhiều đến chất lượng của sản phẩm làm ra. Sau mỗi mũi kim, thợ thêu đều phải dùng ngón trỏ miết lại đường chỉ - đó là bí quyết giúp cho các sản phẩm thêu tay do cơ sở của Nhi gia công luôn êm, mượt, sống động.
Giá một mẫu thêu hiện đại tuỳ thuộc vào thời gian để làm ra sản phẩm ấy, thông thường từ 5.000 - 100.000 đồng/mẫu. Sản phẩm cao nhất Nhi thực hiện có giá 2 triệu đồng và thợ thêu phải mất hàng tuần liền để hoàn thiện.
Các thợ thêu cần mẫn làm việc tại xưởng thêu của Ý Nhi. |
Với bà Hoàng Thị Mai (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) việc thêu gia công không chỉ mang lại nguồn thu nhập khi nghỉ hưu mà còn là niềm vui, là nơi để thoả mãn những sáng tạo của mình. Bà thường nhận lại những sản phẩm áo, váy may trên chất liệu linen từ tiệm may của con gái để thêu trang trí theo ý tưởng của khách hàng. Thông thường, khách ít đưa ra mẫu cụ thể mà chỉ có những yêu cầu chung về loại họa tiết trang trí. Bà dựa vào màu sắc của vải để phối màu, các loại hoa, lá sao cho hài hòa và tăng thêm sự độc đáo cho sản phẩm.
Bà Mai tâm sự, thời thanh niên của bà, hầu hết các bạn nữ đều thích thêu và tự thêu cho mình nhiều sản phẩm áo, khăn tay, vỏ gối rất đẹp. Bẵng đi một thời gian, thêu tay tưởng chừng như đã phải nhường chỗ cho những sản phẩm thêu máy công nghiệp sản xuất hàng loạt. Mấy năm gần đây, khi các sản phẩm thêu tay được ưa chuộng trở lại, đôi tay khéo léo của bà như được hồi sinh. Bà cũng thường xuyên lên mạng để tìm hiểu những mẫu thêu mới, phù hợp với thị hiếu của khách hàng trẻ và kết hợp với những kỹ thuật thêu truyền thống để tạo nên những sản phẩm thật đẹp mắt.
Cái hay của thêu tay là phụ thuộc hoàn toàn vào sự khéo léo, sáng tạo của người làm nên sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân. Sức sống của sản phẩm thêu tay không chỉ là một minh chứng cho những biến chuyển xoay vòng của thời trang mà còn tô đẹp thêm vẻ dịu dàng của người phụ nữ trong nhịp sống hối hả thời số hóa.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc