Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh phổ cập bơi cho trẻ em

06:06, 19/06/2022

Thời gian qua, tình trạng đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh ở mức báo động. Với đặc thù địa bàn có nhiều ao, hồ, sông, suối, tình trạng này càng đáng lo ngại khi trẻ đang bước vào kỳ nghỉ hè năm 2022.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay đã có 28 trẻ em tử vong vì đuối nước. Mới đây, vào ngày 4/6, ba học sinh lớp 6, Trường THCS Chu Văn An (huyện Ea H’leo) sau khi đi dự lễ tổng kết về đã rủ nhau ra suối Ót (thuộc địa phận thôn 5, xã Ea H’leo) để chơi, không may trượt chân xuống nước và tử vong. Trước đó, vào chiều 7/5 cũng đã xảy một vụ đuối nước tại xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) khiến ba trẻ là anh em ruột trong một gia đình tử nạn. Liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn đuối nước ở trẻ em, để lại bao đau xót cho gia đình, xã hội.

Học sinh Trường THCS Trần Quang Diệu được tập huấn về kỹ năng nổi trên mặt nước.

Tại Lễ phát động dạy bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trong dịp hè 2022 vừa được Sở GD-ĐT tổ chức, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT bày tỏ trăn trở khi thời gian qua tình trạng tai nạn thương tích, đuối nước vẫn thường xảy ra và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và học sinh. Để triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp về phòng, chống đuối nước, Sở GD-ĐT đề nghị các đơn vị trường học tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến toàn thể đội ngũ giáo viên, nhân viên và học sinh của nhà trường; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh;  tham gia các lớp tập huấn, đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh…

Trong đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh, diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8/2022, Sở GD-ĐT triển khai cho các trường học có bể bơi cố định, bể bơi di động tổ chức lớp dạy bơi cho trẻ em, học sinh. Hiện tại, ngành giáo dục đã xây dựng được 58 bể bơi tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đối với các trường học có bể bơi đã được Sở GD-ĐT đầu tư, trang bị, Sở yêu cầu phải xây dựng ngay kế hoạch tổ chức dạy bơi cho học sinh trong dịp hè 2022, đây là nhiệm vụ bắt buộc đối với các nhà trường. Nếu đơn vị nào không thực hiện để các bể bơi xuống cấp, hoặc thực hiện không hiệu quả sẽ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở. Trong đợt cao điểm này, Sở GD-ĐT cũng tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế trường học về kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước…

Các đơn vị ủng hộ kinh phí dạy bơi phòng, chống đuối nước và học bổng học bơi cho học sinh tại Lễ phát động dạy bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trong dịp hè 2022 .

Chung tay hành động

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước trẻ em như: trên địa bàn tỉnh có nhiều ao, hồ, sông, suối, đập thủy lợi, hồ chứa nước tưới trong vườn, rẫy của người dân; phụ huynh mải lo mưu sinh không có thời gian quản lý, chăm sóc con cái; thời tiết ở Tây Nguyên nắng nóng, trẻ em có xu hướng rủ nhau ra các ao, hồ, sông, suối để chơi, tắm; đặc biệt nguyên nhân chính là do nhiều trẻ em chưa có kỹ năng bơi lội...

Chung tay phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, nhiều cá nhân, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực. Tại Lễ phát động dạy bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trong dịp hè 2022, các đơn vị như: Hội Từ tâm Đắk Lắk, VNPT Đắk Lắk, Viện Khoa học an toàn Việt Nam, Công ty TNHH Vận chuyển bệnh nhân An Tâm, Trường THCS - THPT Đông Du (TP. Buôn Ma Thuột)... đã trao tặng học bổng học bơi cho học sinh với tổng trị giá 140 triệu đồng; Viện Khoa học an toàn Việt Nam tổ chức tập huấn cho học sinh về kỹ năng nổi trên mặt nước; giới thiệu về đề án “Truyền thông - Huấn luyện thực hành phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh”.

Nhiều trường học cũng đã đưa bơi lội trở thành một bộ môn học tại trường. Như Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar), năm 2017 đã đầu tư bể bơi di động theo hình thức xã hội hóa. Bể bơi có hệ thống van xả tháo nước theo quy định, có hệ thống lưới che và hàng rào bao quanh để đảm bảo điều kiện học tập. Môn bơi lội được đưa vào thời khóa biểu, theo đó, mỗi khối lớp được xây dựng chương trình học bơi riêng, từ cơ bản đến nâng cao. Tại Trường THCS Trần Quang Diệu (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột), được Sở GD-ĐT trang bị bể bơi đưa vào hoạt động từ năm học 2020, bơi lội trở thành môn học tự chọn cho học sinh. Thầy Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Diệu cho hay, hè năm 2022, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy bơi miễn phí cho học sinh của trường cũng như trẻ em trên địa bàn xã. Nhà trường cam kết sẽ sử dụng hiệu quả hồ bơi cũng như đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia học bơi và sử dụng hồ bơi; phấn đấu đến hết năm học 2022 - 2023, 100% học sinh của Trường THCS Trần Quang Diệu biết bơi.

Lớp học bơi miễn phí trong dịp hè do CLB Vì đàn em thân yêu tổ chức tại xã Quảng Hiệp (huyện Cư M'gar).

Bên cạnh đó, nhiều lớp bơi có thu phí hoặc miễn phí, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh trong dịp hè đã được mở ra, đem lại những tín hiệu tích cực. Đơn cử như cách làm hiệu quả của Câu lạc bộ (CLB) Vì đàn em thân yêu (trực thuộc Hội đồng Đội huyện Cư M’gar). Thầy Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm CLB Vì đàn em thân yêu chia sẻ, năm 2021, CLB đã kêu gọi xã hội hóa xây dựng được một bể bơi di động, đồng thời huy động đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn về bơi lội để tổ chức các lớp học bơi miễn phí cho trẻ em trên địa bàn huyện Cư M’gar. Dịp hè năm 2022, CLB tiếp tục kêu gọi xã hội hóa xây dựng được thêm một bể bơi di động nữa, hiện đang tổ chức lớp học bơi miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các xã Quảng Hiệp, Quảng Tiến, Ea M’droh… Nhờ vậy, hàng trăm trẻ em đã được phổ cập bơi miễn phí từ chương trình.

Có thể thấy, sự chung tay của các cấp, ngành cùng gia đình, cộng đồng xã hội đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục, giám sát và quản lý trẻ em, đặc biệt về việc phòng, chống đuối nước nhằm giảm thiểu tình trạng đuối nước thương tâm ở trẻ em.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.