Để có một gia đình hạnh phúc
Gia đình hạnh phúc, bền vững chính là thành tố góp phần ổn định và phát triển xã hội theo chiều hướng tích cực, tiến bộ. Để có một gia đình hạnh phúc, ấm êm, thuận hòa…, không gì khác ngoài thấu hiểu đạo nghĩa và biết san sẻ yêu thương giữa vợ chồng và tất cả các thành viên trong gia đình.
Thấu hiểu đạo nghĩa truyền thống
Hôn nhân là sự kết hợp giữa nam và nữ, vốn ban đầu là hai người xa lạ, bằng hôn nhân mà từ xa lạ trở nên gần gũi, yêu thương. Tình cảm vợ chồng rất sâu nặng, đó là sự thủy chung “sống gửi thịt, chết gửi xương”. Vợ chồng sống với nhau không chỉ vì tình mà còn vì nghĩa. Theo thời gian, tình có thể nhạt nhưng nghĩa thì ngày càng sâu đậm. Đây mới là nền tảng căn bản nhất để vợ chồng trọn đời bên nhau.
“Thương nhau cho trọn đạo đời
Dẫu mà không chịu, trải tơi mà nằm”
Tình nghĩa vợ chồng cơ bản nhất là tấm lòng chung thủy, trước sau mặn nồng và cùng nhau làm tròn thiên chức, bổn phận của mình “Đốn cây ai nỡ đứt chồi, đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương”.
Trong cuộc sống hiện đại, quan hệ vợ chồng là mối quan hệ gia đình bình đẳng, dân chủ. Tất cả mọi công việc, kế hoạch trong gia đình đều phải được vợ chồng bàn bạc, thống nhất và cùng nhau thực hiện theo phương châm “của chồng, công vợ”, cùng nhau nuôi dạy con cái, và cùng nhau chung sống trọn đời cho đến “đầu bạc, răng long”. Trong đó, người chồng vẫn đóng vai trò quan trọng, là trụ cột gia đình, là người đưa ra quyết định và giải quyết mọi tình huống khó khăn nhất.
Đặc biệt, vợ chồng luôn phải thấu hiểu, chia sẻ công việc của nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Vợ chồng có tâm đầu ý hợp, gia đình mới vững bền, hạnh phúc, để cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là xây dựng gia đình hạnh phúc “thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Trên hết, mỗi cặp vợ chồng cần phải thấu hiểu cội nguồn văn hóa truyền thống Việt Nam, tự hào gia phong, dòng tộc; trong đó đặc biệt coi trọng đạo nghĩa vợ chồng, biết thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, biết nhẫn nhịn nhau “chín bỏ làm mười” với một thái độ ứng xử hài hòa, mà cha ông ta xưa truyền dạy “Vợ chồng là nghĩa già đời/Ai ơi chớ nói những lời thiệt hơn”, hay “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi bớt lửa, chẳng đời nào khê”…
Cùng san sẻ yêu thương và làm tròn bổn phận
Ngày nay, cuộc sống vợ chồng trong mỗi gia đình ít nhiều có sự thay đổi về vai trò cá nhân vợ - chồng do tác động của đời sống hiện đại, nhưng không vì thế mất đi những giá trị truyền thống gia đình Việt Nam. Trong cuộc sống, vợ chồng hòa hợp là hiểu rõ cá tính của nhau và biết chấp nhận, để nhường nhịn nhau, yêu thương nhau, tránh tranh cãi và xung đột lẫn nhau, dẫn đến “già néo đứt dây”. Vợ - chồng luôn là người bạn đời san sẻ yêu thương, ngọt bùi, cay đắng, cùng giúp nhau thực hiện ước mơ để xây đắp tổ ấm.
Người chồng là người đàn ông bản lĩnh, tháo vát, thích nghi trong mọi hoàn cảnh… để làm chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình. Là đấng nam nhi nên luôn biết rộng lượng, bao dung, là tấm gương sáng cho con cái học tập, noi theo. Đặc biệt người chồng, người cha ắt phải đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm tổ chức và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế gia đình ấm no, gìn giữ gia phong, đạo hiếu vững chắc, nhưng phải trên tinh thần dân chủ, bình đẳng và tôn trọng ý kiến của vợ - con, tránh độc tài, gia trưởng…
Người vợ phải luôn là người phụ nữ mềm mỏng, dịu dàng, đảm đang, tháo vát, biết nuôi dạy con cái, để cùng chồng giữ lửa và vun đắp cho mái ấm gia đình. Ngoài công việc xã hội, người vợ luôn là người đảm đương công việc “tề gia, nội trợ”, để gia đình luôn là sợi dây kết nối giữa các thành viên qua bữa cơm đầm ấm từ bàn tay khéo léo của mình. Người vợ khéo tính toán, biết chi tiêu mọi khoản trong nhà sao cho phù hợp với mức sống và thu nhập của gia đình, là “tay hòm, chìa khóa” để chồng con yên tâm và hãnh diện…
Đối với phận con cháu, khi còn nhỏ luôn phải biết vâng lời cha mẹ, ông bà, không chơi bời lêu lổng, không đua đòi chúng bạn, mà phải lễ phép, chăm ngoan, chú tâm học hành, phấn đấu thành người hữu ích. Cùng với đó, còn phải biết kính trên nhường dưới, kính thầy, yêu bạn, quan tâm đến mọi người. Đặc biệt, là phận con khi đã trưởng thành phải luôn giữ gìn đạo hiếu, chăm sóc, phụng dưỡng mẹ cha khi về già, anh em hòa thuận, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để mẹ cha yên lòng, gia đạo ấm êm, đừng để vật chất, đồng tiền phá nát gia phong, đạo hiếu tổ tiên.
Minh Đăng
Ý kiến bạn đọc