Bảo đảm an toàn cho lao động ngành điện: "Chất xúc tác" từ gia đình
Hưởng ứng Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022 với chủ đề "Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, mới đây Công ty Điện lực Đắk Lắk đã tổ chức “Tuyên truyền an toàn lao động đến người thân của cán bộ công nhân viên lao động trực tiếp” tại 14 điện lực cơ sở và 2 đội sản xuất.
Chương trình với thông điệp "Món quà quý nhất bạn tặng cho gia đình là bạn về nhà an toàn" đã thực sự giúp người thân các CBCNV hiểu hơn về công việc của người lao động ngành điện và vai trò của bản thân trong công tác an toàn điện.
Xúc động, xót xa là những cảm xúc của mỗi người thân khi xem phóng sự “SOS An toàn để về nhà” do Ban Truyền thông Tổng Công ty Điện lực Miền Trung thực hiện. Người mẹ mất con, người vợ mất chồng, những đứa trẻ mất cha, ngôi nhà, mảnh vườn nay thiếu vắng bàn tay người đàn ông chăm sóc...
Những câu chuyện buồn về tai nạn lao động điện của công nhân điện như bài học nhắc nhở đối với mỗi công nhân ngành điện luôn nêu cao ý thức đảm bảo an toàn lao động. Ngành điện là ngành tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, nguy hiểm trong quá trình lao động, nhất là vào mùa mưa lũ thì nguy cơ càng cao. Vì thế, mỗi công nhân, kỹ sư điện càng phải cẩn trọng hơn trong quá trình làm việc, bởi có những sai sót xảy ra trong nháy mắt, nhưng mãi mãi không còn cơ hội để sửa chữa.
Công việc của những người lao động trong ngành điện thường xuyên đối diện với nhiều rủi ro, nguy hiểm. (Ảnh minh họa) |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động điện, qua phân tích các vụ tai nạn điện xảy ra trong thời gian qua cho thấy, hầu hết đều do một thoáng bất cẩn, một hành động tự phát dẫn đến vi phạm quy trình, quy phạm và gây nên những hậu quả đáng tiếc. Theo các chuyên gia, để người công nhân làm việc trong ngành điện đảm bảo an toàn, ngoài việc thực hiện đầy đủ quy định ATVSLĐ thì yếu tố tâm lý và tác động của người thân cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.
Trăn trở về những khó khăn, nguy hiểm với công việc của chồng và các đồng nghiệp, chị Võ Thị Thu, vợ của anh Huỳnh Văn Ánh, Điện lực Ea Kar chia sẻ: “Tôi không chỉ có chồng làm công nhân điện mà còn có anh trai và em trai làm trong ngành. Đặc thù tính chất công việc này phải luôn trong trạng thái sẵn sàng đi làm khi có sự cố, có khi đi cả trong đêm, bất kể mưa hay nắng. Gia đình chỉ mong các anh chú ý hơn đến sức khỏe bản thân, luôn tuân thủ quy định nghiêm ngặt trong chuyên môn, hoàn thành tốt công việc và về nhà an toàn cùng với gia đình”.
Ông Trần Tấn Phùng, Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk, người trực tiếp lên ý tưởng chương trình cho biết: “Tuyên truyền an toàn lao động đến người thân là nhằm thông tin đến người thân biết để làm việc an toàn thì người lao động cần tuân thủ quy trình, quy định, bảo hộ cá nhân, sức khỏe của người lao động bao gồm thể lực và tâm lý người lao động, áp lực từ cuộc sống trong đó có gia đình. Từ đó công ty gửi thông điệp đến người thân của CBCNV giúp người lao động đảm bảo sức khỏe về tinh thần thoải mái trong thời gian làm việc để giảm thiểu các tác nhân gây mất an toàn đến người lao động".
Thúy An
Ý kiến bạn đọc