Thay đổi hành vi rửa tay để bảo vệ sức khỏe
Nhờ thụ hưởng chính sách ưu đãi của Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” (sau đây gọi Chương trình) từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen vệ sinh, hành vi rửa tay góp phần bảo đảm sức khỏe.
Rửa tay với xà phòng là một việc làm tưởng như rất đơn giản, ai cũng có thể thực hiện được một cách thường xuyên, song trên thực tế, tỷ lệ người thực hiện hành vi này chưa cao. Trong khi đó, theo các chuyên gia về môi trường y tế, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến số lượng mắc các bệnh truyền nhiễm với tỷ lệ cao là do người dân thiếu hiểu biết về các biện pháp phòng, chống các bệnh lây qua đường hô hấp và tiêu hóa; ý thức thực hiện hành vi vệ sinh còn yếu kém. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc rửa tay càng trở nên cần thiết.
Học sinh Trường THCS Ea Tu thực hiện các bước rửa tay đúng cách với xà phòng. |
Để cải thiện hành vi rửa tay đến với đông đảo người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, nghiệm thu 4.400 nhà tiêu của 4.400 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách của 33 xã thuộc 6 huyện. Theo đó, các hộ dân này đều đáp ứng được yêu cầu có điểm rửa tay và có xà phòng, sản phẩm khác thay thế xà phòng theo quy định.
Cụ thể như ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana), Chương trình đã hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho gần 200 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đối với những hộ này, có được nhà tiêu hợp vệ sinh không chỉ tạo thuận lợi hơn trong sinh hoạt hằng ngày mà hơn hết họ còn hiểu được sự cần thiết và tầm quan trọng của việc rửa tay sau mỗi lần đi vệ sinh hay trước khi ăn. Cũng từ đó, nhiều hộ dân trên địa bàn xã cũng ý thức được việc cải thiện hành vi rửa tay, thay đổi thói quen vệ sinh hằng ngày thông qua việc tự bỏ kinh phí xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, điểm rửa tay mà không phải chờ đến sự hỗ trợ của Nhà nước. Được biết, sau khi triển khai Chương trình, địa phương đã nâng tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh lên trên 99,2% và trên 90% hộ có điểm rửa tay.
Ngoài xã Bình Hòa, các xã được thụ hưởng từ Chương trình cũng đã nâng số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, điểm rửa tay tăng lên như xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) có trên 99,3% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh và trên 95% hộ có điểm rửa tay; xã Ea Hu (huyện Cư Kuin) có trên 97,7% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, trên 85% hộ có điểm rửa tay…
Người dân xã Ea Tul (huyện Cư M'gar) ý thức hơn trong việc rửa tay với xà phòng. |
Xác định việc rửa tay bằng xà phòng là một hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn trong phòng, chống dịch bệnh, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, các bộ, ngành, địa phương tổ chức chiến dịch truyền thông rộng khắp, phổ biến ý nghĩa của việc rửa tay với xà phòng trong phòng, chống dịch bệnh, từ đó kêu gọi mỗi người hãy đưa việc rửa tay với xà phòng trở thành thói quen trong cộng đồng. Đơn cử như trong Lễ phát động “Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2022” tổ chức tại Trường THCS Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) vào tháng 5 vừa qua, đại diện Công ty TNHH HappyTap Việt Nam đã tổ chức trao tặng xà phòng và thiết bị rửa tay di động cho Trường THCS Ea Tu và Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi. Cùng với đó, đã hướng dẫn học sinh các bước rửa tay đúng cách nhằm giúp các em hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi vệ sinh, dọn dẹp…
Thực tế cho thấy, những năm trước đây, số hộ dân trên địa bàn tỉnh sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh chưa cao, vẫn còn tình trạng phóng uế ra môi trường và còn rất nhiều người chưa ý thức được việc rửa tay bằng xà phòng hằng ngày. Từ khi Chương trình được triển khai thực hiện, ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương đã tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức như mở lớp tập huấn, phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa đài, đến từng hộ vận động tự xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh, thực hiện rửa tay bằng xà phòng… Qua đó đã dần thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết phải sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng, tạo thói quen mới trong sinh hoạt, thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc