Multimedia Đọc Báo in

Ea Kar tập trung giải quyết việc làm cho người lao động

08:16, 05/09/2022

Xác định công tác giải quyết việc làm cho người lao động góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, những năm qua, huyện Ea Kar đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung – cầu lao động.

Phiên giao dịch việc làm lưu động vừa được huyện Ea Kar phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tại xã vùng III Cư Bông đã thu hút các công ty trong, ngoài tỉnh và trên địa bàn huyện tham gia tuyển dụng lao động cho các vị trí công việc như: may mặc, giày da, chế biến, đóng gói sản phẩm, bán hàng... Các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng đều có chế độ đãi ngộ phong phú, do cơ quan quản lý nhà nước và địa phương giới thiệu nên người lao động rất yên tâm.

Người lao động tìm hiểu thông tin đi xuất khẩu lao động trong phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại xã Cư Bông.

Biết thông tin về phiên giao dịch việc làm lưu động tại xã qua hệ thống truyền thanh và ban tự quản thôn, chị Trần Thị Yến Nhi ở thôn 20 (xã Cư Bông) đã đến tham gia để tìm hiểu thêm về xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Đài Loan. Chị cho hay, sau khi được các công ty tư vấn, giới thiệu, bản thân đã hiểu biết hơn về thủ tục, chi phí cũng như các cơ hội đi làm việc ở nước ngoài và sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm để có thể sang làm việc tại các khách sạn bên Nhật Bản. Chị cũng cảm thấy rất yên tâm vì đây là phiên giao dịch việc làm do tỉnh tổ chức, không sợ bị lừa như những trường hợp đi làm “việc nhẹ lương cao” thời gian qua .

Cư Bông là xã vùng III, cách trung tâm huyện Ea Kar khoảng 40 km. Toàn xã có 80% dân số làm nông nghiệp, thời gian nhàn rỗi nhiều, nguồn lao động dồi dào. Khi huyện tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại xã, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương xem đây là cơ hội để kết nối việc làm cho lao động địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Cư Bông Phan Duy Trung cho biết: Không chỉ phối hợp trong công tác tổ chức, xã đã chỉ đạo các đoàn thể, cấp ủy, ban tự quản thôn, buôn đẩy mạnh công tác truyên truyền bằng nhiều hình thức. Đồng thời, chỉ đạo rà soát những người trong độ tuổi lao động, tình trạng việc làm để trực tiếp mời tham gia phiên giao dịch việc làm lưu động.

Qua rà soát, toàn huyện Ea Kar có trên 9.800 lao động từ vùng dịch trở về địa phương. Chính vì vậy, để người lao động quay trở lại các thị trường lao động hoặc tìm kiếm cơ hội việc làm mới, thời gian qua, huyện Ea Kar đã phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. UBND huyện cũng đã chủ động làm việc với nhiều công ty, doanh nghiệp về công tác tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc trong và ngoài nước theo hợp đồng lao động như: Công ty Hwa Seung Vina, Sayen, Vinamex, Lap Coop, Letco, Nhân Việt, TQC, Việt Phát…

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm trong phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại thị trấn Ea Kar.

Theo ông Phan Văn Vinh, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Ea Kar, từ sự quan tâm, chỉ đạo của huyện, công tác tuyên truyền và việc tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, người lao động trên địa bàn huyện đã được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, thông tin thị trường lao động. Nhờ đó, người lao động có thêm cơ hội tiếp cận được nhiều dịch vụ xã hội, cơ hội việc làm trên các lĩnh vực. Đồng thời, bản thân mỗi lao động cũng đã chủ động, tích cực trong học tập, trang bị kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, tự tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình. Hiện toàn huyện đã có 131 lao động được vay vốn với tổng số tiền 6,5 tỷ đồng. Các ngành chức năng của huyện cũng đã tổ chức tiếp nhận và giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Ea Kar đã phối hợp tổ chức tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm cho 9.879 lao động (đạt 447,98% nghị quyết); đào tạo nghề cho 825 lao động; rà soát, hỗ trợ 803 triệu đồng cho 497 đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.