Multimedia Đọc Báo in

Góp sức trẻ vì cộng đồng

16:15, 01/09/2022

Phát huy sức trẻ tình nguyện, nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực cống hiến, không ngại khó, ngại khổ làm những việc có ích cho xã hội.

Lớp học đặc biệt ở Ea M’nang

Hơn hai tháng nay, cứ vào buổi tối, các bà, các mẹ ở thôn 6 (xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) lại tất tả rủ nhau về tại hội trường thôn tham gia lớp học xóa mù chữ do chị Đàm Thị Sâm (đoàn viên Chi đoàn Trường Mẫu giáo xã Ea M’nang) mở và giảng dạy. Dưới ánh đèn, ai nấy đều chăm chú tập đánh vần, nắn nót viết từng con chữ. Chị Sâm chia sẻ, trong quá trình dạy tại Trường Mẫu giáo xã Ea M’nang, bản thân nhận thấy nhiều phụ huynh chưa biết chữ, cuộc sống hằng ngày của họ lại bận rộn với công việc nương rẫy. Bởi thế, chị đã nuôi ý tưởng mở một lớp dạy chữ vào buổi tối cho những người dân có nhu cầu, giúp họ có thể biết đọc, biết viết.

Chị Đàm Thị Sâm (người đứng) tham gia giảng dạy tại lớp học xóa mù chữ.

Để có thể tổ chức lớp học, chị Sâm đã mạnh dạn vận động người dân tham gia lớp, cũng như liên hệ mượn địa điểm dạy và trích một phần tiền lương mua sắm dụng cụ học tập. Đoàn xã Ea M’nang đã hỗ trợ thêm sách, vở, bút viết cho lớp học. Ngày 20/6, lớp học chính thức được tổ chức tại hội trường thôn 6, duy trì từ tối thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần. Sau hơn 2 tháng triển khai đã có 20 người dân ở thôn 6 (xã Ea M’nang) và thôn Hiệp Kết (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) tham gia học tập. Nhiều người dù đã lớn tuổi, trên đầu hai thứ tóc nhưng vẫn nỗ lực đều đặn tới lớp. Là học viên lớn tuổi nhất lớp, bà Bàn Thị Loan (55 tuổi, trú thôn 6, xã Ea M’nang) tâm sự: “Bản thân thích đi học, muốn viết được chữ nhưng ngày xưa không có điều kiện được đến trường. Giờ tuy già rồi mới được đi học nhưng tôi vui lắm, chỉ mong tới tối để đến lớp”.

Theo chị Sâm, học viên tại lớp học đều là người dân tộc thiểu số, có nhiều cặp vợ chồng cùng rủ nhau đi học. Sau hơn hai tháng triển khai, các học viên đã tiến bộ rất nhiều, biết đọc và viết được những vần đơn giản. Mọi người rất ham học, có những người dù ở khá xa, nhiều hôm đi làm về muộn, chưa kịp ăn cơm nhưng vẫn chuyên cần đến lớp. Chị hy vọng mọi người sẽ đến lớp chăm chỉ và theo học đến khi biết đọc, biết viết thành thạo.

Hạnh phúc khi được cống hiến

Dịp hè năm 2022, trên địa bàn huyện Cư M’gar đã có 10 lớp dạy bơi miễn phí được mở, qua đó phổ cập bơi cho hơn 600 trẻ em trên địa bàn huyện. Đồng hành cùng các lớp bơi ấy là những giáo viên trẻ tình nguyện, họ không ngại vất vả, sẵn sàng bỏ công sức, thời gian, tâm huyết của mình với mong muốn giúp nhiều em học sinh có thêm kỹ năng bơi lội, góp phần phòng, chống đuối nước.

Anh Mai Văn Chuyền giảng dạy tại lớp bơi miễn phí xã Ea M'droh. 

Là người nỗ lực vận động thực hiện mô hình “Bể bơi di động”, mang bể bơi đến từng thôn, buôn vùng sâu để dạy bơi miễn phí từ năm 2021, anh Mai Văn Chuyền (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì đàn em thân yêu huyện Cư M’gar, Phó Bí thư Đoàn Trường THCS Ngô Mây, xã Ea M’droh) vẫn mải miết trên hành trình của mình. Hai tháng qua, cái nắng Tây Nguyên không làm anh cùng các đồng nghiệp nản chí, mọi người tích cực bám lớp, tham gia chỉ dạy tận tình cho học sinh. Đối với anh Chuyền, bản thân luôn cảm thấy hạnh phúc khi được cống hiến sức trẻ của mình để làm những điều có ích, đặc biệt là những hoạt động hỗ trợ trẻ em trên địa bàn.

Bên cạnh đội ngũ giáo viên giảng dạy, đồng hành cùng các lớp bơi miễn phí còn có lực lượng đoàn viên thanh niên đối ứng tại địa phương tham gia hỗ trợ lớp học, từ việc đảm bảo địa điểm dạy học, khâu quản lý học sinh đến việc hỗ trợ đứng lớp, đảm bảo an toàn cho trẻ em. Anh Ma Văn Đông (Phó Bí thư Đoàn xã Ea M’droh) trải lòng, mùa hè năm nay trở nên khá đặc biệt và mang lại nhiều cảm xúc cho bản thân. Bởi hơn hai tháng qua, anh đảm nhận thêm vai trò hỗ trợ các lớp dạy bơi miễn phí trên địa bàn xã Ea M’droh. Theo anh Đông, trước thực trạng số lượng trẻ em đuối nước trên địa bàn tỉnh gia tăng, bản thân mong muốn có thể góp chút công sức của mình, chung tay cùng toàn xã hội để phòng, chống đuối nước cho trẻ. Khi làm được những điều có ích, dù nhỏ nhặt nhưng anh cảm thấy vui, hạnh phúc và cuộc sống này trở nên có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Anh Ma Văn Đông tham gia hỗ trợ lớp dạy bơi miễn phí tại xã Ea M'droh. 

Có thể thấy, bằng những việc làm thiết thực, sự nỗ lực, cố gắng của các “chiến sĩ áo xanh” đã mang đến những điều tốt đẹp cho cộng đồng, giúp xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.